• THỊ TRƯỜNG BÁN LẺ VIỆT NAM SẼ TĂNG TỐC

    Ngành tiêu dùng sẽ tiếp tục là một trong những ngành hấp dẫn nhất ở Việt Nam trong thời gian tới...

     

    Đó là nhận định của ông Barry Weisblatt, Giám đốc phòng Nghiên cứu và Phân tích của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) về tương lai của thị trường bán lẻ tại Việt Nam.

     

    Dựa vào yếu tố nào mà ông đưa ra nhận định ngành bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới?

    Theo Chỉ số phát triển bán lẻ toàn cầu (The Global Retail Development Index) được công bố bởi Công ty tư vấn toàn cầu A.T.Kearney, Việt Nam từ một quốc gia chưa được xếp hạng trong năm 2015 đã vượt lên xếp thứ 11 trong số các thị trường hấp dẫn nhất cho bán lẻ hiện đại trong năm 2016. (gần 94% doanh nghiệp cho rằng bán lẻ online có triển vọng, 91% với mô hình siêu thị tổng hợp, 88% cho trung tâm mua sắm, 83% cho các siêu thị chuyên doanh, 79% cho các cửa hàng tiện ích. Đó là kết quả khảo sát trong tháng 3-4/2016 trên phạm vi toàn quốc của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam).

    Thời điểm 2016, mức độ thâm nhập của mô hình bán lẻ hiện đại hiện ở Việt Nam hiện vẫn khá thấp. Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, mô hình này chiếm 18% tổng giá trị tại khu vực thành thị và chỉ 2% tại nông thôn, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực.

    Việt Nam hiện có gần 9.000 chợ truyền thống >< nhưng chỉ có khoảng gần 1.000 siêu thị, khoảng 1,3 triệu cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ, gần 2.000 cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Điều này cho thấy dư địa tăng trưởng lớn cho ngành bán lẻ hiện đại ở Việt Nam trong tương lai.

    Bởi theo đánh giá, Việt Nam đã trải qua giai đoạn khởi động và hiện đang có những bước đi đầu tiên trong giai đoạn tăng tốc, đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Việt không chỉ sẵn sàng trải nghiệm những mô hình được tổ chức tốt, mà họ đang thực sự tìm kiếm những mô hình này. Ngành phản ánh xu hướng này rõ ràng nhất chính là ngành bán lẻ điện thoại di động.

    Sự trỗi dậy của những chuỗi bán lẻ điện thoại di động, dẫn đầu là Thế giới Di động và FPT Shop, đang chiếm 70% thị phần trong nửa đầu năm 2016, so với 30% của các cửa hàng nhỏ lẻ. Điều này là bước tiến lớn so với cơ cấu thị phần 50%/50% trong hơn 2 năm trước đây.

    Không những thế, sự chuyển đổi về xu hướng của người tiêu dùng từ việc mua sắm ở các kênh truyền thống sang kênh hiện đại đã dần xuất hiện trong lĩnh vực bách hóa, đặc biệt là các mô hình nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini.

    Theo Kantar Worldpanel, ngành hàng tiêu dùng nhanh thông qua các cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini ở Việt Nam nửa đầu năm 2016 tăng trưởng 51% so với cùng kỳ, trong khi các kênh bán hàng khác như chợ truyền thống và cửa hàng bách hóa nhỏ lẻ chỉ ghi nhận tăng trưởng một chữ số.

     

    Theo ông, điều gì đang dẫn dắt xu hướng này?

    Thu nhập ngày càng tăng của người tiêu dùng Việt Nam là một yếu tố dễ nhận thấy. Sự cải thiện về thu nhập dẫn đến nhu cầu cho các tiêu chuẩn sống cao hơn, và trong hoàn cảnh này là nhu cầu cho sự tiện lợi, chất lượng dịch vụ khách hàng và các trải nghiệm mua sắm tốt hơn. 

    Lấy ví dụ trong mảng bán lẻ điện thoại di động, tại các cửa hàng nhỏ lẻ, khách hàng sẽ thường được phục vụ bởi chính chủ cửa hàng hoặc người thân của chủ cửa hàng; sản phẩm không đa dạng, trưng bày kém hấp dẫn, không tận dụng được sự tương tác với khách hàng, và trong một số trường hợp các sản phẩm còn không rõ nguồn gốc; dịch vụ khách hàng, kể cả các dịch vụ trước khi mua (tư vấn, chỗ đậu xe) hoặc hậu mãi (bảo hành, chính sách đổi trả,…) đều không có tiêu chuẩn và sự đồng nhất.

    Ngược lại, với các cửa hàng hiện đại, khách hàng sẽ được chào đón bởi các nhân viên bán hàng và tư vấn được đào tạo kỹ càng, sản phẩm đa dạng và trình bày bắt mắt, dịch vụ khách hàng được chuẩn hóa tại tất cả các cửa hàng trong cùng một hệ thống. Do những yếu tố này, người tiêu dùng thường sẵn sàng chấp nhận giá bán cao hơn tại các chuỗi cửa hàng này.

    Trong khi đó, yếu tố nhân khẩu học ở Việt Nam cũng hỗ trợ cho sự phát triển của mô hình bách hóa hiện đại, đặc biệt là các mô hình nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini. Đầu tiên, Việt Nam có dân số trẻ với độ tuổi trung vị là 30, so với con số 37 tại Thái Lan và Trung Quốc. Người tiêu dùng trẻ thường sẵn sàng trải nghiệm các mô hình mới.

    Thứ hai, với thực tế đời sống tại Việt Nam đang ngày càng trở nên bận rộn, đặc biệt là tỷ lệ phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động ngày càng tăng, đã dẫn đến nhu cầu lớn hơn cho trải nghiệm mua sắm tiện lợi.

    Thứ ba, quy mô hộ gia đình trung bình ở Việt Nam ngày càng thu hẹp, đạt khoảng 3,5 thành viên/gia đình từ tỷ lệ khoảng 4,5 thành viên/gia đình khoảng 10 năm trước. Quy mô hộ gia đình nhỏ hơn đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ thường xuyên mua sắm với lượng hàng hóa nhỏ hơn, phù hợp với các cửa hàng mô hình nhỏ.

    Mặt khác, tại Việt Nam, các mô hình lớn như đại siêu thị chịu sự bất lợi so với các mô hình nhỏ do hệ thống đường bộ chưa phát triển tốt và tỷ lệ sở hữu xe ôtô thấp, làm giảm khả năng mua sắm số lượng lớn. Ngược lại, mô hình nhỏ sẽ giúp các nhà bán lẻ tiếp cận được với người tiêu dung dễ dàng hơn. 

    Ngoài ra, Việt Nam đang phát triển hệ thống tàu điện, với từng phần hệ thống này dự kiến sẽ bắt đầu dần dần đi vào hoạt động sau 4-5 năm tới. 

    Quan sát tại các quốc gia phát triển hơn cho thấy sự hiện diện của hệ thống tàu điện sẽ giúp các cửa hàng mô hình nhỏ như cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini hưởng lợi lớn, đặc biệt là nếu các cửa hàng được tích hợp tốt và hợp lý với mạng lưới di chuyển của tàu điện.

     

    Cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini thì sao?

    Chúng tôi nhận thấy triển vọng đối với siêu thị mini tỏ ra tích cực hơn nhiều so với cửa hàng tiện lợi. Lĩnh vực cửa hàng tiện lợi hiện đã bị thống lĩnh bởi các thương hiệu nước ngoài như Circle K, Shop & Go, Family Mart, B’s Mart, và Ministop. 

    Không còn nhiều chỗ trống và trong bối cảnh các doanh nghiệp nước ngoài này có nhiều kinh nghiệm, cũng như có lợi thế đi trước, các doanh nghiệp trong nước khi tham gia vào lĩnh vực này sẽ gặp thách thức lớn. Trái lại, không gian của siêu thị mini vẫn còn rộng mở. 

    Các doanh nghiệp dẫn đầu hiện nay là các doanh nghiệp nhà nước như Coop Food và Satra Foods, nhưng dù đã hoạt động nhiều năm và các cửa hàng hiện tại có lưu lượng khách hàng khá tốt, tốc độ mở rộng hệ thống của mỗi chuỗi này là khá chậm chỉ với gần 100 cửa hàng ở thời điểm hiện tại.

    Vinmart+, công ty con của Vingroup, đã cho thấy tham vọng của mình với việc đến nay đã mở 800-900 cửa hàng. Vinmart+ dường như là mô hình kết hợp của hai hình thức cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini về một số khía cạnh quan trọng như cơ cấu hàng hóa và giá bán. 

    Nhìn chung, chúng tôi cho rằng các doanh nghiệp mới vẫn còn cơ hội thống trị mô hình siêu thị mini, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể xây dựng mô hình phù hợp và sở hữu khả năng mở rộng nhanh chóng.

    Ngoài ra, có nhiều ý kiến cho rằng do điện thoại thông minh và khả năng tiếp cận internet hiện đã rất phổ biến, hình thức thương mại điện tử có thể vượt qua mô hình cửa hàng thông thường, qua đó khiến nhu cầu đến các cửa hàng biến mất trong tương lai. 

    Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này, đặc biệt là tại các nước đang phát triển như Việt Nam, và cho rằng thương mại điện tử sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho các chuỗi bán lẻ, thay vì thay thế trực tiếp.

    Tại các nước phát triển hơn như Mỹ, Hàn Quốc, và Trung Quốc, doanh thu trực tuyến chỉ chiếm 7,5%-13,5% tổng doanh thu bán lẻ năm 2015, cho thấy các cửa hàng thực tế vẫn đóng vai trò quan trọng. Điều này càng tỏ ra chính xác tại Việt Nam, vì lĩnh vực thương mại điện tử đi sau các nước đề cập ở trên nhiều năm.

     

    Mô hình bán lẻ nào của Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong thời gian tới, thưa ông?

    Việc phát triển hình thức thương mại điện tử tại Việt Nam hiện đang gặp trở ngại do nhiều yếu tố cơ bản như người tiêu dùng thiếu sự tin tưởng, một phần do tình trạng hàng giả phổ biến, cơ sở hạ tầng logistics kém phát triển, khiến việc giao hàng khó khăn, tốn kém, và tỷ lệ thâm nhập của thẻ tín dụng chỉ mới đạt 4%-5%. 

    Vì vậy, chúng tôi cho rằng với hiện trạng thương mại điện tử tại Việt Nam, mô hình B2C kết hợp bán hàng trực tuyến/cửa hàng là phù hợp nhất.

    Mô hình này sẽ giúp giải quyết một số vấn đề đã trình bày ở trên như khả năng quản lý hàng hóa của các doanh nghiệp bán lẻ, đảm bảo nguồn gốc và chất lượng sản phẩm.

    Đồng thời người tiêu dùng có niềm tin vào nhà bán lẻ do sự hiện diện của các cửa hiệu.

    Bên cạnh đó, mạng lưới cửa hàng đóng vai trò là các điểm phân phối, cho phép giao hàng nhanh chóng, hiệu quả; và cuối cùng, sự linh hoạt hơn của nhà bán lẻ khi có thể nhận thanh toán bằng tiền mặt khi giao hàng.

    Các nhà bán lẻ có thể đồng thời xây dựng nền tảng trực tuyến và cửa hàng, cung cấp một trải nghiệm mua sắm thuận tiện và omnichannel (đa kênh) cho người tiêu dùng. Sự hiện diện của hình thức trực tuyến cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bán lẻ tránh rủi ro mất khách hàng do một số khách hàng chỉ muốn, hoặc chỉ có thể mua hàng trực tuyến.

    Tóm lại, chúng tôi rất lạc quan về tương lai của ngành bán lẻ hiện đại của Việt Nam mà chúng tôi cho rằng đang trên đà phát triển mạnh. Doanh nghiệp bán lẻ nào có thể đưa ra mô hình phù hợp và xây dựng nguồn lực nội tại mạnh mẽ sẽ có thể đạt được tăng trưởng vượt trội. 

    Chúng tôi đặc biệt đánh giá cao mô hình bán lẻ cửa hàng nhỏ, nhất là khi được kết hợp với nền tảng bán hàng trực tuyến tốt.

     

    Tú Uyên

    Ngày đăng: 26-07-2018 876 lượt xem