• TƯ DUY LẠI VAI TRÒ CỦA CFO TRONG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

    Để thành công trong môi trường kinh doanh mới, các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần thiết có một Giám đốc tài chính (CFO) có năng lực, có tầm nhìn dài hạn và đa năng. Điều này đòi hỏi phải tư duy lại vai trò của CFO tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa so với hiện nay.

     

    Các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần thiết có một Giám đốc tài chính (CFO) có năng lực, có tầm nhìn dài hạn và đa năng.

     

    Một vai trò chưa xứng tầm của Giám đốc Tài chính (CFO) trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay

    Hiện nay, tổ chức phòng tài chính kế toán của các doanh nghiệp nhỏ và vừa khá đơn giản với người đứng đầu là kế toán trưởng (trên thực tế là Giám đốc Tài chính – Chief Financial Officer – CFO). Chức năng tài chính tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa thường đặc trưng bởi các đặc điểm sau:

    – Thứ nhất, Sự phân quyền hạn hẹp cho Giám đốc Tài chính (CFO). Các CFO thường chỉ được phân quyền hạn hẹp để chủ yếu tập trung vào các chức năng kế toán và thuế, đa số chưa có chuyên viên tài chính chuyên nghiệp tách biệt với bộ phận kế toán viên. Chức năng tài chính với các nghiệp vụ như huy động vốn và làm việc với các định chế tài chính, quyết định các dự án đầu tư thường do Chủ doanh nghiệp, Hội đồng quản trị và Giám đốc Công ty quyết định. Điều này một phần xuất phát từ việc các CFO chưa nâng tầm kiến thức và năng lực của mình lên tương xứng với vai trò đáng có, bên cạnh đó, còn xuất phát từ ý muốn của chủ sở hữu có muốn san sẻ quyền lực hay không. Trong nhiều trường hợp, các CFO tỏ ra thất vọng và không làm việc hết năng lực vì họ cảm thấy kiến thức và chuyên môn của mình chưa được trọng dụng.

    – Thứ hai, bản thân nhiều CFO không chú trọng nâng cấp kiến thức của mình nhằm đáp ứng sự phát triển của doanh nghiệp. Khi các doanh nghiệp phát triển về quy mô thì CFO đòi hỏi phải có thêm năng lực mới và kỹ năng mới, đặc biệt là năng lực về tham gia hoạch định và lập kế hoạch chiến lược, sự am hiểu sâu hơn về thị trường tài chính và môi trường kinh doanh. Nếu không chuẩn bị tốt thì năng lực hiện có của CFO có thể không đủ để giúp doanh nghiệp phát triển trong giai đoạn mới. Để tích lũy điều này cần quá trình liên tục học hỏi kiến thức và kinh nghiệm. Ở nhiều doanh nghiệp, CFO chưa có một sự chuẩn bị cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp, chưa tích cực tự học tập nâng cao trình độ, còn yếu về trình độ ngoại ngữ.

    – Thứ ba, tại nhiều doanh nghiệp, CFO ít chú ý đến việc tạo ra môi trường học tập cần thiết cho việc phát triển chuyên môn và nâng cấp liên tục năng lực của nhân viên. Khá nhiều CFO chưa coi trọng việc xây dựng một chương trình rõ ràng nhằm đào tạo và bồi dưỡng liên tục các nhân viên của mình. Khá ít doanh nghiệp xây dựng các tủ sách chuyên môn nhằm giúp nhân viên thuận tiện trong việc cập nhật kiến thức và không có nhiều CFO thường xuyên đọc và giới thiệu cho các nhân viên các cuốn sách hay, tài liệu hay cần học tập. Điều này dẫn đến tình trạng năng lực của nhân viên không được nâng lên để đáp ứng những công việc mới.

    – Thứ tư, CFO tại nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa thực sự chú trọng xây dựng các quy chế, quy trình nghiệp vụ, bên cạnh đó, việc thực thi các quy chế và quy trình này còn mang tính hình thức, việc lập kế hoạch chiến lược dài hạn và kế hoạch tài chính dài hạn ít được chú trọng, nhiều CFO thiếu đi kiến thức trong việc lập và thẩm định dự án đầu tư.

     

    Một môi trường kinh doanh ngày càng thách thức đòi hỏi tư duy lại về vai trò của Giám đốc Tài chính (CFO)

    Với một môi trường kinh doanh thay đổi và ngày càng cạnh tranh mạnh hơn như hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải vật lộn vất vả hơn trước nhiều để tồn tại. Trong môi trường này, việc định vị vai trò hạn hẹp của CFO như trước đây khó đảm bảo cho thành công dài hạn của doanh nghiệp. Vì vậy, cần có một sự chuyển đổi cơ bản vai trò hạn hẹp trước đây của CFO sang một vai trò mới có nhiều thẩm quyền hơn, đầy đủ năng lực hơn và đa năng hơn:

    • CFO cần phải là một người có kiến thức tổng hợp về nhiều lĩnh vực chuyên môn liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp (chiến lược, marketing, nhân sự, sản xuất, môi trường kinh doanh…), từ đó mới có thể hiểu rõ và phối hợp tốt với các bộ phận khác trong doanh nghiệp. Khác với các doanh nghiệp lớn thường chuyên môn hóa sâu và có có các lãnh đạo cấp cao cho từng chức năng chuyên môn hóa, ở doanh nghiệp nhỏ và vừa, sự tập trung hóa các chức năng là rất cao, một lãnh đạo sẽ phải kiêm nhiệm xử lý nhiều nhiệm vụ khác nhau (đội nhiều chiếc mũ), chính vì vậy, các CFO của doanh nghiệp nhỏ và vừa cần đa năng hơn.

     

    Để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, CFO cần có sự hiểu biết sâu sắc về hoạt động của doanh nghiệp. 4 hiểu biết tiên quyết để CFO có thể thực hiện tốt công việc của mình là:

    - CFO cần am hiểu về cấu trúc doanh nghiệp; 

    - Am hiểu về chuỗi giá trị và chuỗi các hoạt động của doanh nghiệp;

    - Am hiểu về cơ cấu tổ chức tổ chức và phân bổ các chức năng trong doanh nghiệp;

    - Am hiểu về các chính sách và quy trình hiện hữu của doanh nghiệp.

    • CFO cần có tầm nhìn và có tư duy chiến lược dài hạn: Để thành công trong môi trường kinh doanh hiện nay, các doanh nghiệp cần một CFO có tầm nhìn dài hạn và có năng lực tham gia vào quá trình lập kế hoạch chiến lược. Tư duy điều hành nhờ kinh nghiệm giờ sẽ không đủ đảm bảo cho thành công vì môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng và những kinh nghiệm trong quá khứ có thể sẽ không đủ để phản ứng với những thay đổi này. Một chiến lược kinh doanh bài bản và khả thi sẽ giúp doanh nghiệp có thể đưa ra những định hướng rõ ràng hơn trong hành động.
    • CFO cần được trao thẩm quyền đầy đủ hơn: Sự thay đổi về môi trường kinh doanh đang ngày càng đòi hỏi nâng tầm quan trọng vai trò của CFO tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa. CFO cần được trao thẩm quyền đầy đủ hơn trong lĩnh vực mà mình quản lý. Điều này cũng đòi hỏi CFO cần nỗ lực tự hoàn thiện mình để có đủ khả năng tiếp nhận vai trò lớn hơn, xứng tầm hơn.

     

    Infonet

    Ngày đăng: 21-02-2018 948 lượt xem