-
DOANH NHÂN VIỆT KHÔNG NGỪNG TRAO DỒI TRI THỨC
Việc học của doanh nhân không chỉ làm thay đổi họ mà còn làm thay đổi một cách bền vững, dài lâu của một doanh nghiệp mà họ đang, sẽ lãnh đạo, quản lý. Người ta nói kinh doanh thành công không phải là một “điểm dừng” sau một vài phi vụ mà là “chuyến đi dài” với hành trang là tri thức.
Đa số đều trưởng thành từ kinh nghiệm kinh doanh thực tiễn, ít người được đào tạo bài bản, đúng nghĩa.
Ở quy mô nhỏ ban đầu, không ít doanh nhân đã gặt hái được thành công trước mắt. Nhiều người trưởng thành thông qua vừa tích lũy, vừa áp dụng, vừa tổng kết tri thức, nhưng không ít người do thiếu một nền tảng kiến thức và kỹ năng quản lý và kết quả đầu tư thấp, thậm chí thua lỗ.
So với bình diện chung của thế giới, năng lực lãnh đạo, quản lý của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn thấp. Nhiều doanh nghiệp không đủ khả năng lãnh đạo đáp ứng dưới sức ép của tình cạnh tranh khốc liệt của thương trường hiện đại, của việc quản lý tài sản và nhân sự, duy trì thương hiệu và vị thế của doanh nghiệp, sức ép của tính hiệu quả, hiệu suất và chất lượng…
Hôm nay, rất nhiều doanh nhân Việt đã ý thức và đang dùng một số cách thức trau dồi tri thức như sau:
- Doanh nhân tự học
”Không có kho báu nào quý bằng học thức. Hãy tích lũy nó bất cứ lúc nào có thể” (Rudasky).
Hơn ai hết, doanh nhân là những người dành từng giây từng phút để tự học và chiêm nghiệm tri thức và thực tiễn. Tri thức được doanh nhân tích lũy, tổng kết rất đáng kể, có thể từ việc rút kinh nghiệm thực tế, đọc các nguồn thông tin sách báo, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm.
Tự học qua thực tiễn và rút kinh nghiệm: Dù kinh doanh có thịnh, có suy, doanh nhân cần không tự mãn với kiến thức, kinh nghiệm đang có, biết tự điều chỉnh và hoàn thiện chúng. Peter F. Druker nói: “Bất cứ ai, dù có trong tây bất cứ kiến thức nào, cũng phải tiếp tục học hỏi kiến thức mới sau mỗi bốn hay năm năm, nếu không muốn bị lạc hậu”.
Nhờ có tham gia vào thương trường khốc liệt, doanh nhân không ngừng kiểm nghiệm và điều chỉnh kiến thức từ các thất bại, thành công gặp phải. Thực tiễn kinh doanh là lò tôi luyện cho doanh nhân trở thành người tự thấy được điều vô lý hay hợp lý, phù hợp hay không phù hợp, sơ lược hay cụ thể hóa những gì mình biết, mình học.
Tự học qua các nguồn thông tin, sách báo: Các nguồn thông tin, sách báo hàng ngày thường được doanh nhân sử dụng để nắm bắt, cập nhật liên tục. Doanh nhân sẵn sàng tiếp cận những nguồn thông tin, tri thức chuyên nghiệp hơn, tin cậy để có thể có được kịp thời, chất lượng và giá trị cao như của các hãng thông tin kinh doanh chuyên nghiệp Dow Jones, Reuters, Bloomberg…
Chúng ta có thể thấy nhiều doanh nhân tranh thủ đọc sách, báo để cập nhật thêm tri thức cho mình, tìm kiếm/ trích rút những gợi ý cho công cuộc kinh doanh. Trên thị trường có một vài bộ sách khá căn bản phục vụ riêng cho đối tượng doanh nhân như:
- Bộ sách “Cẩm nang cho nhà quản trị thành công” (Successful Manager Handbook) của hãng DK Publishing Inc. cung cấp cho bạn tất cả những kỹ năng căn bản, then chốt để bạn dẫn dắt doanh nghiệp.
- Bộ sách “Doanh nhân tự học” do Chương trình Phát triển Dự án Mê Kông (MPDF) tổ chức biên soạn cung cấp những kiến thức quản trị kinh doanh cơ bản, thiết thực, có thể vận dụng vào thực tế hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
- Bộ sách “Cẩm nang quản lý – kinh doanh Harvard” – được sử dụng làm giáo trình giảng dạy chính của Đại học Kinh doanh Harvard và ở nhiều trường Đại học kinh doanh khác trên thế giới trong chương trình Đại học và Đào tạo MBA.
- Cuốn “Personal MBA” của tác giả Josh Kaufman, “The complete idiot’s guide to MBA basics” đề xuất một hình thức tự học MBA qua đọc sách và đi làm để lấy kinh nghiệp thực tế. Tại 2 cuốn sách còn liệt kê hơn 100 cuốn sách khác mà mỗi doanh nhân nên đọc để tự học.
Tự học thông qua giao lưu, chia sẻ cộng đồng: Doanh nhân còn tham gia các buổi nói chuyện (talk show), hội thảo, hội nghị, diễn đàn, xúc tiến thương mại, triển lãm… trong và ngoài nước để gặp mặt trao đổi một cách tích cực với các đối tác, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà công nghệ… thu thập tri thức, kinh nghiệm về rất nhiều chủ đề quan tâm. Thậm chí, ở cả những buổi giao lưu mang tính gia đình, họ hàng, bạn bè, hội đoàn, câu lạc bộ… doanh nhân cũng tích cực “gặt hái” những ý tưởng, bí quyết, sáng kiến hay, lời giải có giá trị cho hoạt động kinh doanh của mình.
- Mua trí khôn của chuyên gia:
Rất nhiều doanh nhân đã coi việc mua bán tri thức là sự trao đổi thông thường để có trí khôn phục vụ cho sự thành công lâu dài, giải quyết cho những vấn đề, những yếu kém của doanh nghiệp. Doanh nhân sẵn sàng thuê chuyên gia tư vấn hoặc tham gia các khóa đào tạo.
Thuê chuyên gia tư vấn: hình thức mang lại hiệu quả vào công việc hiện tại, đặc biệt là khi doanh nghiệp đang có vướng mắc về kinh doanh hoặc muốn cải tổ, đổi mới tổ chức. Các chuyên gia tư vấn là những người có kinh nghiệm lâu năm, chuyên môn tổng hợp và sâu, thường sẽ khảo sát khách quan tình hình thực tế doanh nghiệp, đề xuất giải pháp áp dụng tri thức mới và huấn luyện, giám sát thực hành.
Trên thị trường đã xuất hiện nhiều công ty làm các dịch vụ tư vấn như tư vấn quản trị chất lượng, tư vấn thương hiệu, tư vấn pháp lý, tư vấn đầu tư, tư vấn nhân sự, tư vấn công nghệ… và xuất hiện cả những công ty tư vấn danh tiếng quốc tế như Pricewaterhouse Coopers, KPMG, Ernst & Young, Athur Andesen… Để bổ sung khiếm khuyết về kiến thức tổng quát, một số công ty sử dụng hình thức thuê một nhóm chuyên viên hoạt động như một bộ não chiến lược mở rộng, gọi là think tank.
Tham gia các khóa đào tạo: là hình thức bổ sung kiến thức, huấn luyện kỹ năng nâng cao dành cho doanh nhân. Các khóa học ngắn hạn có thể thiết kế học ngoài giờ, học tại công ty, nội dung và điều kiện phù hợp theo yêu cầu của doanh nhân. Nhiều doanh nhân nhận thức được tầm quan trọng của tri thức trong quản trị đã đầu tư theo học khóa học dài hạn, văn bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh MBA (Master of Business Administration) để nâng cao trình độ một cách toàn diện. Yêu cầu đầu vào của MBA là học viên phải có 2 năm kinh nghiệm quản lý. Mức học cho khóa học tại chỗ trong 2 năm là khoảng 10.000 – 20.000 USD.
Sau khi học MBA, doanh nhân có tư duy mới về mọi vấn đề, tự tin khi giải quyết các tình huống thường gặp. MBA được dạy ở Việt Nam nhờ sự hợp tác, liên kết các chương trình đào tạo MBA nước ngoài với các cơ sở đào tạo trong nước, thậm chí có cả chương trình giảng dạy bằng tiếng Việt.
Một số khóa học có thể tham khảo:
STT Trường 1 Viện Công nghệ Châu Á (AIT – Bangkok) 2 Viện Quản trị kinh doanh (UBI – Bỉ) phối hợp với Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn 3 Đại học RMIT Việt 4 Trung tâm Pháp – Việt Đào tạo về quản lý (CFVG) 5 Trường Đào tạo Quản trị Kinh doanh HSB – Đại học Quốc gia Hà Nội (thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế AACSB của Mỹ) 6 Trường Doanh nhân TOP OLYMPIA 7 Đại học Bách khoa Hà Nội (hợp tác với Đại học Northcentral của Mỹ) - Doanh nhân chỉ đạo toàn doanh nghiệp học tập
Doanh nhân hiện đại đã nhận thức ra muốn doanh nghiệp kinh doanh thành công thì cần sử dụng ngày một nhiều hơn tri thức như một nguồn vốn cơ bản của toàn tổ chức.
“Trí tuệ một khi đá ăn sâu vào từng công việc của từng thành viên sẽ tác động như những sức mạnh vật chất to lớn”.
Peter Druker: “Ưu thế cạnh tranh lâu dài duy nhất của doanh nghiệp chính là có được năng lực học tập nhanh hơn đối thủ cạnh tranh”.
Nhiều doanh nhân đã xây dựng doanh nghiệp của mình thành một môi trường học tập, một văn hóa học tập, bắt đầu từ nhận thức tầm quan trọng của việc học, thúc đẩy việc ứng dụng và sáng tạo trong doanh nghiệp, tới tổ chức hệ thống quản trị, chia sẻ tri thức, đầu tư và xây dựng, thậm chí trực tiếp tham gia giảng dạy các khóa đào tạo nội bộ.
Doanh nhân là người định hướng và tổng chỉ huy hệ thống quản trị thông tin và tri thức của doanh nghiệp. Toàn bộ tài sản thông tin, tri thức từ các nguồn khác nhau được lưu trữ, được chia sẻ, khai thác nội bộ theo nhiều cách nhằm đảm bảo đem lại giá trị cho mọi nhân viên trong hoạt động kinh doanh thường gặp.
Thông qua hệ thống Công nghệ Thông tin, trang thiết bị và phần mềm, doanh nghiệp có thể tập hợp, tổ chức, sử dụng, kiểm soát, phổ biến và loại bỏ hiệu quả các thông tin, tri thức. Dù bận rộn, doanh nhân vẫn cùng các thành viên doanh nghiệp liên tục hoàn thiện tài nguyên tri thức nội bộ thành một tài sản có giá trị cao, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho tổ chức, đúng với tinh thần: “Những gì chúng ta biết ngày hôm nay sẽ lỗi thời vào ngày hôm sau. Nếu chúng ta ngừng học thì chúng ta sẽ ngừng phát triển” (Dorothy Billington).
Bùi Quang Minh
Ngày đăng: 21-02-2018 1,191 lượt xem
Tin liên quan
- GIAO TIẾP TRONG CÔNG SỞ
- 21 BÍ KÍP BẤT KỲ DÂN SALES NÀO CŨNG CẦN "NẰM LÒNG"
- BÀI HỌC HAY VỀ TEAMWORK VÀ LÃNH ĐẠO TỪ BẦY SÓI
- NHÂN HIỆU VÀ THƯƠNG HIỆU DOANH NGHIỆP – GẮN BÓ HAY TÁCH RỜI?
- HIỆP HỘI ĐƯA CƠM CỦA NHỮNG NGƯỜI MÙ CHỮ ĐẠT CHẤT LƯỢNG ISO. BÍ QUYẾT VẬN HÀNH LÀ GÌ?
- BẠN LÀ NGỰA CHẠY NGHÌN DẶM HAY CHỈ LÀ MỘT CON LỪA "CHĂM CHỈ" Ở CÔNG TY?
- DOANH NGHIỆP CẦN TRÁNH NHỮNG LỖI SAU NẾU MUỐN GIỮ NGƯỜI TÀI
- 5 THÁI ĐỘ CHỨNG MINH NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO
- TƯ DUY LẠI VAI TRÒ CỦA CFO TRONG DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA
- 3 ĐIỀU MÀ GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH (CEO) NÊN LƯU Ý ĐỂ THÚC ĐẨY SỰ ĐỔI MỚI CỦA TỔ CHỨC
- 10 TRÁCH NHIỆM HÀNG ĐẦU CỦA MỘT GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH (CFO)?
- VAI TRÒ CỦA GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH (CEO) TRONG QUẢN TRỊ CHIẾN LƯỢC
- SỰ KHÁC NHAU GIỮA NHỮNG CEO TẦM VÓC VÀ NHỮNG CEO TẦM TRUNG
- QUẢN TRỊ MỐI QUAN HỆ NHÂN SỰ: ĐỐI THOẠI CHỨ KHÔNG ĐỐI ĐẦU
- VAI TRÒ NGÀY NAY CỦA GIÁM ĐỐC TÀI CHÍNH (CFO)