• CÁC SỐ LIỆU THỐNG KÊ VỀ KỸ THUẬT SỐ VÀ CÁC LĨNH VỰC LIÊN QUAN Ở VIỆT NAM NĂM 2017

    We Are Social là một công ty có trụ sở ở Anh Quốc, chuyên thực hiện các thống kê và đánh giá về thông tin kỹ thuật số, di động và các lĩnh vực liên quan. Nhóm We Are Social Singapore đã khảo sát các thông tin về Internet ở Đông Nam Á vào tháng 1 năm 2017, trong đó có Việt Nam và đưa ra nhiều thông tin đánh giá khá hữu ích. Bài này chủ yếu xoay quanh các số liệu thống kê Internet Việt Nam năm 2017.

    Việt Nam là nước có dân số đông, đứng thứ 14 trên thế giới với xấp xỉ 93.6 triệu dân, trong đó tỉ lệ đô thị hóa là 31%.

    Tính đến tháng 01 năm 2017, Việt Nam có 50.05 triệu người dùng Internet chiếm 53% dân số, tăng 6% so với năm 2016. Đây là con số cao hơn mức trung bình của thế giới là 46,64% dân số đang sử dụng Internet. Mục tiêu của Việt Nam là trong thời gian tới tăng người sử dụng Internet lên 80-90% dân số, ngang bằng với các nước đang phát triển hiện nay.

    Trong đó, người sử dụng Internet thường xuyên vào mỗi ngày lên tới 78% số người có sử dụng Internet. Đứng ở vị trí thứ 16 trong top 20 quốc gia có số người sử dụng Internet nhiều nhất tại châu Á. Về độ tuổi, người sử dụng Internet ở Việt Nam đa phần là người trẻ tuổi.

    Số lượng thuê bao di động đạt 124.7 triệu thuê bao, với hơn 41 triệu thuê bao thường xuyên sử dụng. Đây là 1 điểm nhấn về xu hướng công nghệ nói chung toàn thế giới, người dùng “xài” di động nhiều hơn để lướt web. Vì vậy, các trang web bắt buộc phải thiết kế theo hướng “đáp ứng” (Web Responsive Design) để hiển thị trên các kích thước màn hình khác nhau để giữ “khách” và hiển thị “đúng” giao diện Web.

    Tỉ lệ phần trăm các thiết bị kết nối Internet phổ biến ở người dùng trưởng thành đó là điện thoại thông minh với 72%, Laptop (hoặc Desktop) với 44%, Tablet với 14%. Vì vậy, không ngạc nhiên khi các dịch vụ buôn bán, sửa chữa, … các thiết bị điện tử vẫn được xem là “thịnh hành” mặc dù có đã quá nhiều cạnh tranh.

    Trung bình 1 ngày, người Việt Nam bỏ ra 6 giờ 53 phút để duyệt Web nếu xài PC và Tablet, 2 giờ 33 phút nếu xài điện thoại di động và dành 2 giờ 39 phút cho mạng xã hội. Việt Nam có đến 46 triệu người dùng mạng xã hội, chiếm 48% dân số.

    Điều này đáng báo động, vì người ta dùng nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội (Facebook, Zalo, …) chỉ để xem thông tin, đôi khi là “lá cải”, “tạp nham”, … do đó có thể ảnh hưởng đến năng suất lao động, khả năng học tập, gia đình, … và ngay cả đời sống cá nhân.

    Các công việc thường làm trên mạng của người dùng là kiểm tra email, viếng thăm mạng xã hội, sử dụng cơ chế tìm kiếm (Google, Coccoc, …), tìm thông tin sản phẩm, và nghe nhạc, video. Các nền tảng mạng xã hội được nhiều người quan tâm là Facebook, YouTube, FB Messenger, Google+, Zalo, Instagram, Twitter, Skype, Viber, …

    Mạng xã hội là mảnh đất “màu mỡ” để khai thác thông tin quảng cáo, mua bán trực tuyến, chia sẻ thông tin giải trí, … và cả việc định hướng dư luận.

    Cuối cùng, ở lĩnh vực thương mại điện tử, tỉ lệ người dùng thường xuyên tìm kiếm thông tin sản phẩm trước khi mua là 48%, truy cập các trang bán lẻ là 43%, giao dịch sản phẩm là 39% và cùng 29% người dùng giao dịch sản phẩm bằng laptop và mobile. Lợi nhuận thương mại điện tử ở Việt Nam chưa thật sự nhiều và vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Có 33.26 triệu người mua bán online với tổng giá trị thị trường khá khiêm tốn là 1.8 tỉ USD so với 1 đất nước có GDP 215 tỉ USD.

     

    Emanvn

    Ngày đăng: 03-11-2017 958 lượt xem