• BAO GIỜ BỆNH VIỆN LỚN THÔI CHỮA BỆNH THÔNG THƯỜNG?

    Cứ 3 giờ sáng, nhiều bệnh viện lớn của TP.HCM lại nhộn nhịp cảnh bệnh nhân xếp hàng lấy số chờ khám bệnh. Tình cảnh này quá quen thuộc hàng chục năm nay, dù phần lớn bệnh nhân đến từ địa phương khác. Câu hỏi truyền kiếp. Bởi, chắc chắn kiếp này không giải được, hẹn kiếp sau, hoặc kiếp sau sau nữa.

    Bệnh viện Chợ Rẫy khám 5.000 lượt bệnh nhân/ngày, trong khi bệnh viện đại học Y dược TP.HCM đến 8.000 lượt bệnh nhân/ngày. Điều đáng nói, hơn một nửa số đó lại chỉ mắc những bệnh thông thường mà bệnh viện tuyến dưới nào cũng có thể chữa được. Vậy tại sao người ta phải cất công, bỏ thời gian, tiền bạc lên thành phố chữa bệnh?

    Lý do phổ biến nhất, vì đa phần không tin vào chuyên môn của bệnh viện địa phương.

    Thật ra, bao lâu nay các cấp quản lý cũng thực hiện nhiều cách để tăng cường niềm tin của bệnh nhân vào bệnh viện tuyến dưới như liên kết bệnh viện hay khoa vệ tinh, chuyển giao kỹ thuật; nhưng nói thì nói, đến nay những giải pháp này không mấy thành công.

    Đi chữa bệnh không phải như đi ăn hàng quán. Chọn sai quán, ăn phải món không ngon, lần sau người ta không ghé lại. Nhưng đi chữa bệnh lại khác, nếu không như ý, hậu quả thật khó lường.

    Bởi thế bệnh viện quận Bình Thạnh có phòng khám về tuyến giáp là vệ tinh của bệnh viện Ung bướu TP.HCM, lập ra để giảm tải cho tuyến trên, hai nơi này chỉ cách nhau chưa đến 200m, nhưng không mấy bệnh nhân thích khám ở đây mà thích “bệnh viện gốc”, dù phải chen chúc hay chờ đợi nhiều giờ.

    Không giảm tải được với những giải pháp đã triển khai, năm qua khi thị sát một số bệnh viện lớn ở TP.HCM, bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra một “giải pháp cách mạng” đó là đề nghị bệnh viện tuyến trên “chuyển bớt bệnh nhân ngoại trú và nội trú không cần thiết về địa phương”. Bà nói: “Nên giảm lượt khám ngoại trú một nửa so với hiện tại, chỉ 4.000 lượt/ngày. Không ai thích giảm cả, nhưng một đất nước văn minh không thể để một ngày khám đến 8.000 lượt. Hãy trả bệnh nhân về địa phương, bệnh viện lớn chỉ nên tập trung kỹ thuật cao”.

    Ý tưởng này hoàn toàn đúng, bởi những bệnh viện hàng đầu của các quốc gia tiên tiến chẳng ai nhận chữa các bệnh “xoàng xĩnh” như cảm cúm, cao huyết áp, tiểu đường…hoặc thực hiện các dịch vụ thay nẹp chân, tay, hay phục hồi chức năng; mà họ chỉ tập trung vào nghiên cứu lâm sàng và chữa các bệnh chuyên sâu đúng tầm cỡ tay nghề chuyên môn cao của đội ngũ chuyên gia.

    Nhưng không dễ thực hiện ý tưởng này, vì “khám chữa bệnh thông thường” là nguồn thu chính của các bệnh viện trong hoàn cảnh tự chủ tài chính hiện nay. Lãnh đạo một bệnh viện lớn chia sẻ: “Chúng tôi phải lo đời sống của hàng ngàn cán bộ, nhân viên. Thật tình bệnh viện cũng muốn nghiên cứu chuyên sâu, nhưng cuộc sống là trên hết. Nếu không đủ sống, nhân viên sẽ làm việc chểnh mảng, dễ dẫn đến sai sót chuyên môn”.

    Vừa qua, bệnh viện K Hà Nội đã thành lập trung tâm nghiên cứu lâm sàng ung thư, trong một dự án hợp tác với Vương quốc Anh. Đây là trung tâm nghiên cứu lâm sàng đầu tiên trong mạng lưới phòng chống ung thư, giúp giải quyết gánh nặng ung thư ngày càng nhiều ở nước ta. Bao nhiêu bệnh viện tuyến trên (tuyến cuối) của Việt Nam có được cơ hội này, hoặc dám bứt phá với một hướng phát triển khác, thay vì tìm kiếm “cơm áo gạo tiền”? “Gà què ăn quẩn cối xay”. 

    Nếu không nghiên cứu chuyên sâu, làm sao nâng cao vị thế y học Việt Nam và thực hiện được những hoài bão lớn?

    TGHN

    Ngày đăng: 26-04-2019 991 lượt xem