• HUẤN LUYỆN MÃI KHÔNG ĐƯỢC - SẾP BẤT LỰC HAY NHÂN VIÊN BẤT TÀI?

    Ở góc nhìn của quản lý trực tiếp thì là do nhân viên bất tài, ở góc nhìn của quản lý cấp cao và nhân viên thì do quản lý trực tiếp bất lực.

    Thế là tranh cãi, bất mãn diễn ra từ ngấm ngầm đến công khai. Vậy liệu quản lý trực tiếp có thật sự bất lực không? Hay do đám lính lác thật sự không thể đào tạo được?

     

     

    Điều này phải được giải thích từ cái gốc là "Chu trình phát triển năng lực". Một năng lực mới, một kỹ năng mới sẽ được hình thành theo chu trình sau: 

    Thái độ - Kiến thức - Thực Hành - Kỹ năng.

    Thái độ muốn/cần sẽ kích thích người ta tiếp nhận một kiến thức mới, sau đó người học sẽ thực hành rất nhiều lần trong nhiều bối cảnh và tình huống khác nhau thì kiến thức đã học mới trở thành Kỹ năng thực sự.

    Nói cách khác nếu thái độ đã không có thì nguyên chuỗi sau sẽ đi tong luôn. Tuy nhiên rất nhiều quản lý vẫn đang bỏ qua bước "Xây dựng thái độ" trước khi truyền đạt kiến thức, và thế là thất bại trong việc huấn luyện mà không hề hay biết. Một số khác thì có khả năng xây dựng thái độ cho nhân viên rất tốt nhưng bị gãy đổ trong việc theo sát nhân viên sau khi đã truyền tải kiến thức nên cũng không đạt hiệu quả như kỳ vọng.

     

    Những tình huống bên dưới sẽ chỉ rõ cái nào do quản lý bất lực và cái nào do nhân viên bất tài:

    1. Nhân viên không muốn học vì không thấy lợi ích - Lỗi do quản lý không làm cho nhân viên thấy kiến thức này có ích (Hoặc không xây dựng thái độ, hoặc do giao tiếp sai cách nên không thuyết phục được nhân viên tin rằng kiến thức đó có giá trị cho bản thân họ)

    Cách xử lý: Xây dựng thái độ trên lợi ích của nhân viên chứ không chỉ trên lợi ích của công ty, của phòng ban và nói trên ngôn ngữ của họ. Của cho không bằng cách cho.

     

    2. Nhân viên không thích học với người quản lý đó - Lỗi do quản lý đã làm cho nhân viên ghét mình hoặc không tin mình. Không ai thích được đào tạo bởi cái đứa "Nhìn mặt thấy ghét". Nhân viên hiền sẽ nhịn và giả bộ học, nhân viên "cứng" sẽ chống đối. Kiểu nào cũng chết.

    Cách xử lý: Xây dựng niềm tin và mối quan hệ tốt với nhân viên trước đã. Đừng làm theo kiểu tuyên truyền mị dân, không ai tin.

     

    3. Nhân viên cho rằng đã biết kiến thức đó nên không muốn tiếp nhận - Lỗi do quản lý không có kiến thức đủ sâu để thuyết phục nhân viên cái họ biết là không đủ.

    Cách xử lý: Đưa tình huống cho nhân viên giải quyết, không giải quyết được sẽ lòi ra ngay "cái biết rồi" là mớ kiến thức sáo rỗng chứ không phải là kỹ năng đã rèn đạt được. Sau đó giải quyết vấn đề cho nhân viên thấy để họ tin người quản lý đó thật sự giỏi.

     

    4. Tố chất của nhân viên không phù hợp nên chậm phát triển - Lỗi của quản lý trong khâu tuyển dụng đã chọn sai người hoặc quá máy móc trong cách đào tạo. Hãy nhớ "Nếu bạn dạy một con cá trèo cây, cả đời nó sẽ tin rằng nó là đứa bất tài - Einstein"

    Cách xử lý: Mạnh dạn loại bỏ người không phù hợp & Tuyển dụng người có tố chất hợp với công việc (Tuyển Sales mà cứ chọn mấy đứa cầu toàn thì xong cmnr, còn tuyển kế toán mà chọn cái đứa tài lanh thì công ty đóng cửa sớm);

    Đào tạo phù hợp với style và điểm mạnh của mỗi nhân viên chứ không gò vô một cái khuôn cứng nhắc. Ví dụ: Nhân viên bán hàng của bạn là người hướng nội và rất quan tâm người khác, hãy giúp họ trở thành Best seller theo kiểu bán hàng Farmer; còn đứa có cảm xúc dữ dội hãy đào tạo theo kiểu bán hàng Hunter. Không áp đặt một cách đào tạo được.

     

    5. Đào tạo xong nhưng nhân viên quên thực hành - Lỗi của quản lý không theo sát.

    Cách xử lý: Lập kế hoạch theo sát, chỉnh sửa, đánh giá, động viên, khen thưởng cho đến khi nhân viên cứng cáp.

     

    6. Đào tạo xong, nhân viên nỗ lực thực hành theo kế hoạch nhưng kết quả vẫn chậm - Lỗi của quản lý trong khâu tuyển dụng chọn người không có tố chất.

    Cách xử lý: Sắp xếp một công việc khác phù hợp hơn hoặc mạnh dạn loại bỏ & Tuyển dụng người có tố chất hợp với công việc.

     

    Túm lại: không có nhân viên bất tài, chỉ có quản lý bất lực. Nếu tuyển đúng người có thái độ tốt, có tố chất phù hợp với công việc, đào tạo đúng cách và xây dựng được mối quan hệ tốt với nhau thì chẳng có nhân viên nào không phát triển. Đừng đổ lỗi cho nhân viên nữa.

     

    NẾU QUẢN LÝ CẤP CAO HƠN GIAO CHO BẠN MỘT NHÂN VIÊN KHÔNG PHÙ HỢP VÀ BẮT PHẢI ĐÀO TẠO THÌ SAO? (Hoặc không phù hợp về thái độ, hoặc không phù hợp về năng lực, hoặc không phù hợp về phẩm chất & tính cách)

    ==> Hãy mạnh dạn từ chối vì theo cái Logic trên thì chắc chắn không thể đào tạo được. Nếu cả nể nhận và không quyết đoán ngay từ đầu, tới lúc nhân viên không phát triển người ta đánh giá bạn không có năng lực thì ráng mà chịu. Lúc này lỗi của bạn không nằm ở khâu tuyển dụng hay đào tạo mà nằm ở chỗ không quyết đoán.

    Còn các sếp ở trên đọc xong cái này để đánh giá quản lý của mình khách quan hơn, bớt cưỡng bức phi lý. Không thể có chuyện giao một cục Shit mà bắt người ta nấu thành món ăn; không thể có chuyện giao gạo dở mà nấu ra nồi cơm thật ngon được. Gạo ngon thì cơm mới ngon. Nếu đưa gạo ngon, nước sạch mà cơm vẫn cháy khét hoặc nhão thì lúc đó mới do người nấu.

     

    VẬY LIỆU CÓ NHÂN VIÊN BẤT TÀI?

    Không có nhân viên bất tài về năng lực, chỉ là do họ có được đặt đúng vị trí hay không và được huấn luyện đúng cách hay không thôi.

    Nhân viên bất tài nằm THÁI ĐỘ KHÔNG TỐT như: Không cầu tiến & thích an nhàn, ỷ lại, gian dối, làm biếng, ích kỷ, vô cảm,.... Ai biểu tuyển vô mà còn không mạnh tay đuổi cổ khi phát hiện ra thì ráng chịu, than thở chi mô.

    P/S: Đã đào tạo nhiều nhân viên, chỉ bị thất bại đúng 2 lần và đều rơi vào nhân viên có thái độ không tốt. Các em có thái độ tốt hoặc tỏa sáng rất nhanh hoặc chậm hơn xíu chớ không có chuyện không phát triển.

     

     

    Nguyễn Thanh Phong

    Ngày đăng: 30-10-2019 1,496 lượt xem