• SỰ THẬT VÀ NHỮNG SAI LẦM CỦA TÔI TẠI SHARK TANK

    Sau 3 ngày khi VTV3 phát sóng tập số 4 của chương trình THƯƠNG VỤ BẠC TỶ, hôm nay tôi mới đủ bình tĩnh và nén cảm xúc để viết bài về hành trình gọi vốn 1 triệu đô la.

     

    Hành trình gọi vốn 1 triệu đô la

    Startup Nguyễn Văn Khỏe chia sẻ:

    SỰ THẬT ĐẦU TIÊN là tôi bị SHOCK!

    Lần thứ nhất là khi tôi đẩy cửa bước vào đối diện với 5 cá Mập, tôi cất tiếng chào:

    - Chào các Shark, những chú cá mập đáng yêu!

    Và hình như tôi đã ... "xúc phạm" gì đó, nên khi câu chào mang tính hài hước và 2 chữ "đáng yêu" chưa kịp phát ra thì đúng lúc tôi nhìn thẳng vào mắt của shark Phú... ôi... cặp mắt mang hình... TÊN LỬA Tomahawk... hai con mắt tròn xoe long lên không hề chớp, không chút cảm xúc gì cùng với khuôn mặt lạnh như băng giá, găm thẳng vào người tôi! Bất giác tôi lặng người đi và quét ánh nhìn sang bên trái và phải, 4 cặp mắt khác cũng nhìn tôi không hề chớp và... tôi ĐỨNG HÌNH hoàn toàn! 

    Thực ra, là do tôi bị shock. Tiếp theo sau đó thì ai cũng thấy qua tivi, tôi trình bày cực kỳ khó khăn khi tâm lý bị dao động cho đến khi phần chiếu clip xong thì tôi phần nào lấy lại tinh thần.

    BÂY GIỜ LÀ NHỮNG SAI LẦM.

    SAI LẦM đầu tiên là tôi đã không có một CHIẾN LƯỢC ĐÚNG cho buổi thuyết trình, không có một kịch bản phù hợp khi thuyết trình với các shark!

    SAI LẦM thứ hai là không ĐỊNH VỊ CHỦ ĐỀ theo đúng kế hoạch! Đúng ra phải thuyết trình theo đúng chủ đề là CÔNG NGHỆ SẤY NHIỆT MẶT TRỜI mới đúng, nhưng khi bị các shark xoay, xoáy một hồi thì chủ đề lại chuyển qua hướng SẢN PHẨM và chi tiết sản phẩm, khiến mọi người không hiểu rõ rằng hiện tại tôi không đáp ứng đủ nhu cầu của người sử dụng, điều này thể hiện qua việc shark Linh vì mơ hồ nên nói rằng tôi không có tệp khách hàng mục tiêu, nên chưa phải là thời điểm huy động vốn.

    SAI LẦM thứ ba: Đó là khi shark Hưng hỏi: "năm 2014 đến 2017 anh làm gì?" Tôi đã không kể câu chuyện sâu hơn và rõ hơn, quá trình từ năm 2010 mà chỉ nói từ năm 2014... điều này dẫn đến các shark chưa hiểu hết quá trình hình thành và quá trình tiếp cận khách hàng mục tiêu.

    SAI LẦM cuối cùng rất quan trọng là không nhờ người tư vấn tài chính chuyên nghiệp để chuẩn bị các phương án trả lời, cũng như chuẩn bị các số liệu thuyết phục, nên các shark nói là định giá công ty quá cao, và kế hoạch sử dụng vốn đầu tư chưa hợp lý.

    Những SAI LẦM đó đã khiến tôi không thể thuyết phục các shark nhận ra giá trị của dự án, chỉ may mắn khi shark Việt nhận ra nhưng đổi lại tôi phải dành % cao gấp 2 lần kỳ vọng.

     4/5 "CÁ MẬP" LẮC ĐẦU, NHIỆT MẶT TRỜI VẪN ĐƯỢC SHARK VIỆT RÓT VỐN 1 TRIỆU USD

    Bước đầu, Shark Việt mong muốn được giúp đỡ doanh nghiệp với mức cổ phần nắm giữ là 50%, như chia sẻ của shark, sau khi doanh nghiệp thành công Shark sẽ chia lại cổ phần cho nhà sáng lập. Đây là một trong những điều đáng quý mà nhà đầu tư dành cho startup nhiệt huyết tuổi 53 này!

     

    @ Theo anh Nguyễn Hữu Long - Group PTDNV:

    LÀM SAO ĐỂ KHẮC CHẾ LOÀI CÁ MẬP

    1. Ánh mắt, thần thái nhà đầu tư cá mập: Bạn là startup (khởi nghiệp) gọi vốn? Bạn bước vào phòng cá mập. Có 5 - 7 cá mập thật to đang... ngồi chễm chệ chờ bạn. Những ánh mắt sắc lẹm, lạnh lùng, ngạo nghễ nhìn bạn như chực nuốt chững. Bạn mất tự tin ngay từ giây đầu tiên?

    Các shark (cá mập) đã có gì đó "sai sai" ngay từ "thần thái" và ánh mắt ban đầu khi nhìn bạn như một con mồi, một kẻ thất thế đang muốn cầu xin sự cứu giúp! Họ đang ngộ nhận vai trò và vị thế của mình. Mà cũng do bạn và do những người tổ chức chương trình đấy thôi! Chính bạn và btc chương trình đã làm cho họ ngộ nhận! Làm thế nào để khắc chế ánh mắt lạnh lùng và thần thái ngạo nghễ của cá mập ngay từ những giây đầu tiên?

    Suy cho cùng, bạn hoàn toàn bình đẳng với họ. Họ tìm kiếm cơ hội đầu tư, bạn tìm kiếm nguồn vốn. Họ có quyền từ chối đầu tư khi thấy không có lợi; bạn cũng có quyền từ chối, không cho họ đầu tư nếu thấy bất lợi. Họ cũng cần dự án tốt như bạn cần tiền tốt vậy! Tiền tốt là tiền kèm theo điều kiện hợp tác có lợi cho bạn!

     

    2. Ngôn ngữ, giọng điệu cá mập: có lúc như trấn áp, có lúc như dạy dỗ, lên lớp, có lúc chỉ toàn chê bai... Đó là "chiêu", là kỹ năng, kỹ thuật đàm phán của họ để dìm giá, chọn điều kiện tốt nhất cho mình. Họ có quyền làm vậy, và kinh nghiệm dạy họ làm vậy! Làm sao để vượt qua tình cảnh này, để bạn có thể tự tin "ăn miếng, trả miếng" cùng cá mập?

     

    3. Kiến thức cá mập: Nhiều cá mập lão luyện, sâu sắc, uyên bác. Nhưng cũng có cá mập chủ quan, vội vã, "hớ hênh" khi nêu lên những nhận định, kết luận có phần phi lý!

    Ví dụ, có shark bảo bỏ 100 tỷ vào ngân hàng, không làm gì, sau 5 năm cũng sẽ có khoảng 250 tỷ (?!). Nếu có ngân hàng nào vậy, chỉ tôi với? Với lãi suất tiết kiệm khoảng 8%/năm (mức khá cao rồi đấy) như hiện nay, thì sau 5 năm, con số thu về cũng chưa đến 150 tỷ. Con số 250 thu được từ 100 tỷ gửi tiết kiệm sau 5 năm chỉ có thể khả thi khi lãi suất tiết kiệm cao hơn 20% năm (có ở đâu không, chỉ tôi với?)!

    Có shark căn cứ vào lợi nhuận của năm đầu tiên có doanh thu của startup để nói chỉ số P/E cao (nhằm hạ giá trị startup). Cần nhớ, có startup chưa hề có lợi nhuận, nhưng nếu ý tưởng hay, giải pháp có tiềm năng, thì vẫn có thể được định giá rất cao, và chỉ số P/E lúc này hoàn toàn không có ý nghĩa (vì E = 0 thì chia P cho E thế nào?)

    Có shark bảo quy trình khởi nghiệp phải đi qua các bước: Tạo sản phẩm, rồi mới tìm khách hàng mục tiêu, rồi mới tăng trưởng. Đây đúng là một QUY TRÌNH NGƯỢC và rất NGUY HIỂM cho hàng chục nghìn startup nếu họ bắt chước làm theo...  

     

    @ @ 

    Đừng nhầm lẫn với những ngành họ tạo ra sản phẩm rồi mới giáo dục khách hàng mua, vd: phần mềm microsoft, sản phẩm của apple, về công nghệ như tesla, ...  những sản phẩm họ tạo ra vẫn dựa trên insight khách hàng, hoặc insight công nghệ, hoặc mang tính đột phá, những tính năng chỉ có trên phim viễn tưởng, mà giờ đã trở thành hiện thực, thứ mà khách hàng mơ ước hoặc khao khát muốn có.

    Nếu sản phẩm / dịch vụ của bạn chủ yếu chỉ dựa trên sự cải tiến đơn thuần cái đã có sẵn, thì buộc bạn phải nhìn trước, nhìn sau, nhìn bên hông xem tình hình thế nào, có ai đang/đã làm tốt hơn bạn hay không, khách hàng nào sẽ cần sản phẩm/dịch vụ này, họ là ai, họ ở đâu, những tính năng dự định có phải là điều mà khách hàng đang cần, hay đang mong đợi?. Khi bạn đã hiểu rõ những điều này, sản phẩm/dịch vụ bạn tạo ra sẽ có chất lượng cao hay thấp phù hợp, và tỷ lệ thành công chắc chắn sẽ cao hơn.

     

    -Emanvn T/H-

     

    Bài liên quan: Marketing trước hay Sản phẩm trước.

    Ngày đăng: 29-07-2018 1,632 lượt xem