• 10 NHÂN TỐ LÃNH ĐẠO XÂY DỰNG TƯƠNG LAI

    Người lãnh đạo học cách thay đổi khó khăn, thử thách như thế nào? Làm sao để chấp nhận thay đổi mà còn phải vượt lên chúng? Có 10 nhân tố, 10 phẩm chất cá nhân và tổ chức cần thiết để đương đầu với thay đổi, xây dựng tương lai và tạo ra những tổ chức có khả năng học hỏi.

    ---

    1. Người lãnh đạo làm chủ giấc mơ.

    Mọi người lãnh đạo đều có khả năng tạo ra được tầm nhìn có sức thu hút nhằm đưa mọi người đến một tầm cao mới và rồi biến tầm nhìn đó trở thành hiện thực. Không phải tất cả những người lãnh đạo mà tôi đã tiếp xúc đều có được cả 10 phẩm chất mà tôi mô tả sau đây nhưng tất cả họ đều có phẩm chất này.

    Việc làm chủ giấc mơ có thể được chia làm 5 phần. Phần đầu tiên là tầm nhìn.

    Mục tiêu của Carlzon là làm cho SAS trở thành một trong năm hay sáu hãng hàng không quốc tế còn trụ lại trước nguy cơ nhiều hãng hàng không giá rẻ xuất hiện.

    Để đạt được mục tiêu này, ông đã phát triển hai mục tiêu nhỏ. Đầu tiên là làm cho SAS tốt hơn các đối thủ cạnh tranh khác 1% khi xét về những khía cạnh khác nhau. Sau đó là tìm cách tạo dựng cho SAS một chỗ đứng tốt trên thị trường, Carlzon đã nhắm vào những người du lịch hạng thương gia vì ông tin rằng phân khúc thị trường này có thể mang lại lợi nhuận cao nhất so với các phân khúc thị trường khác.

    Để có thể thu hút được những người du lịch hạng thương gia, ông rất coi trọng tất cả những mối liên hệ giữa những hành khách này với mỗi nhân viên của SAS. Ông phải đảm bảo cho mỗi một mối liên hệ này có mục đích, phù hợp, lịch sự và ân cần, và ông ước tính rằng mỗi ngày có khoảng 63,000 mối liên hệ giữa nhân viên của SAS với những khách hàng hiện có hay những khách hàng tiềm năng. Ông gọi những mối liên hệ này là “những khoảnh khắc của niềm tin”.

    Carlzon đã phát triển một cuốn sách có tranh minh họa rất tuyệt vời với nhan đề “Cuốn sách đỏ nhỏ nhắn” nhằm mục đích thông tin phương hướng hoạt động của SAS cho đội ngũ nhân viên. Ông cũng thành lập một trường đào tạo cho nhân viên ở Copenhagen. Đỉnh cao là ông đã làm cho hoạt động của toàn bộ tập đoàn không còn tính quan liêu. Sơ đồ tổ chức của tập đoàn không còn theo mô hình thứ bậc qua hình tượng của kim tự tháp nữa, mà giờ đây nó là một vòng tròn tựa như dải ngân hà vậy. Trên thực tế, cuốn sách của Carlzon với tựa đề tiếng Anh là “Khoảnh khắc của niềm tin” vốn có tựa đề tiếng Thụy Điển có nghĩa là “Phá hủy mô hình kim tự tháp”.

    Một trong những vòng tròn đó và là một trong những lĩnh vực hoạt động của tập đoàn là đường bay Copenhagen – New York. Tất cả đội ngũ phi công, các nhà hàng hải, kỹ sư, tiếp viên và những nhân viên phụ trách vận chuyển hành lý, các đại lý vé có liên quan đến đường bay này đều tham gia vào một nhóm làm việc tự quản và độc lập với một kế hoạch phân chia lợi nhuận để họ có thể hưởng được phần lợi nhuận tăng thêm mà đường bay này mang lại. Ngoài ra còn có một cơ chế quản lý riêng như vậy đối với đường bay Copenhagen – Frankfurt. Toàn bộ tập đoàn được cấu thành bởi những nhóm làm việc nhỏ và bình đẳng về quyền lợi như vậy.

    Theo quan điểm của Jack Welch, cựu Chủ tịch tập đoàn General Electric thì: “Những người trở thành người chủ nhờ biết nhiều hơn những người làm việc cho họ - những nhà quản lý lỗi thời. Người lãnh đạo của tương lai phải lãnh đạo thông qua tầm nhìn, một hệ thống các giá trị chung và một mục tiêu chung”. Phẩm chất duy nhất đã được định hình của người lãnh đạo là khả năng tạo dựng và xác định được tầm nhìn.

    2. Lãnh đạo không ngại mắc sai lầm.

    Đó là kết luận của nhà tư vấn quản lý Donald Michael về những người như Babara Corday, không sợ phạm phải sai lầm và nếu phạm phải thì thẳng thắn thừa nhận. Những người như vậy, cũng như Jim Burke, tạo ra một môi trường trong đó việc chấp nhận rủi ro được khuyến khích. Giống như Sydney Pollack, họ nói với đồng nghiệp rằng sai lầm duy nhất là không làm việc gì cả.

    Và như Karl Wallenda khi trên đỉnh vinh quang của sự nghiệp, họ làm việc mà không sợ việc mình làm sẽ thất bại. John Wooden, cựu huấn luyện viên của đội bóng rổ UCLA đã nhận xét rằng: “Thất bại không phải là tội lỗi mà tội lỗi là ở chỗ đặt ra mục tiêu quá thấp.

    3. Lãnh đạo khuyến khích các ý kiến phản đối.

    Norbert Wiener nói với tôi rằng: “Tôi không bao giờ biết mình nói gì cho đến khi tôi nghe thấy ý kiến phản hồi”. Người lãnh đạo phải nhận thức được tầm quan trọng của việc trong cuộc đời họ có những người luôn luôn nói sự thật mà không hề e ngại điều gì.

    Một trong những khám phá hấp dẫn nhất từ những cuộc phỏng vấn để viết cuốn Nhà lãnh đạo là tôi nhận thấy rằng hầu hết các vị chủ tịch các tập đoàn đều là những người chỉ mới kết hôn một lần. Với tôi, nguyên nhân có thể là vợ hoặc chồng là những người mà họ có thể hoàn toàn tin tưởng. Những tranh cãi của người vợ hoặc chồng là rất có ảnh hưởng vì nó giúp cho người lãnh đạo học hỏi và tìm hiểu thêm về bản thân mình.

    4. Người lãnh đạo khuyến khích sự bất đồng quan điểm.

    Đây chính là hệ quả có logic của sự tranh cãi có tương phản. Lãnh đạo cần có xung quanh mình những người có quan điểm trái ngược hay những người hay phản đối để thúc đẩy tranh luận, đấy chính là những "bộ cảm biến quan điểm" – những người có thể cho họ biết những gì được mong đợi và những gì đang thực sự diễn ra.

    5. Người lãnh đạo phải có cái gọi là Nhân tố Nobel:

    Lạc quan, niềm tin và hy vọng. Một trong những nhà quản lý mà tôi phỏng vấn để viết cuốn Nhà lãnh đạo cam đoan rằng: nếu ông là nhà khoa học thì ông đã đoạt giải Nobel vì ông luôn có cảm nhận rằng ông có khả năng làm bất cứ điều gì. Ông cũng truyền sự lạc quan đó đến tất cả những người chung quanh. Khi còn là Tổng thống, Ronald Reagan cũng là một tấm gương của sự lạc quan vô bờ bến.

    Một tấm gương khác của sự lạc quan vô bờ bến của một người có cái gọi là Nhân tố Nobel, đó là danh hài quá cố George Burn. Khi sắp đến tuổi 100 ông nói: “Tôi không thể chết bây giờ được. Giờ đi của tôi đã được định sẵn rồi.

    Có một câu tục ngữ của Trung Quốc đại ý là: “Bạn không thể thay đổi những điều có thể làm bạn quan tâm và lo lắng diễn ra xung quanh mình, nhưng bạn có thể ngăn không cho cảm giác lo lắng xâm chiếm tâm hồn bạn.”

    6. Người lãnh đạo phải hiểu được cái gọi là hệ quả Pygmalion trong quản lý.

    • Những gì nhà quản lý trông đợi ở cấp dưới và cách họ đối xử với cấp dưới quyết định phần lớn thái độ làm việc và những tiến bộ trong nghề nghiệp của cấp dưới.
    • Một phẩm chất độc đáo của nhà quản lý giỏi là khả năng đưa ra yêu cầu cao đối với thái độ làm việc của cấp dưới để họ phấn đấu đáp ứng yêu cầu đó.
    • Những người quản lý kém hiệu quả hơn lại không làm được điều đó và hậu quả là hiệu quả làm việc của cấp dưới không cao.
    • Thông thường cấp dưới có xu hướng làm việc theo những tiêu chuẩn mà họ cho rằng đó là những gì mà người lãnh đạo mong đợi ở họ.

    Người lãnh đạo mong đợi những điều tốt đẹp nhất ở những người chung quanh họ. Người lãnh đạo biết rằng mọi người quanh mình đều thay đổi và phát triển.

    7. Người lãnh đạo phải có cái mà tôi gọi là Nhân tố Gretzky hay là sự linh cảm chắc chắn.

    Wayne Getzky, vận động viên hockey hay nhất trong các vận động viên cùng thời đã nói rằng: việc bạn biết quả bóng hiện ở đâu không quan trọng bằng việc bạn biết nó sẽ ở đâu.
    Người lãnh đạo cũng phải có linh cảm rằng đặc điểm văn hóa của cơ quan, tổ chức mình sẽ thay đổi như thế nào và nếu phát triển thì cơ quan, tổ chức mình sẽ phát triển đến đâu. Nếu ngay từ đầu họ không có linh cảm đó thì họ sẽ khó đạt đến đích cuối cùng.

    8. Người lãnh đạo phải có cái nhìn dài hạn.

    Họ là những người kiên nhẫn. Vào tuổi 89, Armand Hammer cho biết rằng lúc bấy giờ ông chỉ đặt ra những kế hoạch dài hạn trước khoảng 10 năm vì ông muốn ông vẫn còn sống để xem các kế hoạch đó diễn ra như thế nào.

    Ở tuổi 40, Barbara Corday thì lại biết rằng bà có đủ thời gian để tìm một việc làm khác và thậm chí là bắt đầu xây dựng một sự nghiệp mới.

    Người Nhật Bản còn kiên nhẫn hơn những gì chúng ta suy nghĩ. Một công ty Nhật Bản mà tôi biết thậm chí đã xây dựng kế hoạch 250 năm.

    9. Người lãnh đạo phải biết giữ cân bằng giữa các nhóm lợi ích.

    Họ biết rằng họ phải giữ cân bằng giữa các yêu cầu trái ngược nhau giữa các nhóm có lợi ích trong công ty. Vì những người lãnh đạo ý thức rất rõ tầm quan trọng của sự cân bằng giữa các nhóm lợi ích nên họ rất thận trọng đề phòng Hội chứng Dick Ferris.

    Ferris, người đứng đầu tập đoàn UAL có một tầm nhìn muôn màu muôn vẻ về một hãng hàng không có khả năng cung cấp đầy đủ các dịch vụ - không chỉ đưa hành khách tới nơi họ cần đến mà còn đưa đón khách từ sân bay hay khách sạn. Vì mục tiêu này, thậm chí ông đã đổi tên của tập đoàn. Nó không còn là UAL của ngày xưa. Tên mới của tập đoàn là Allegis. Cái tên mới này chẳng có nghĩa gì nhưng nó lại có phong cách. Tuy nhiên, tầm nhìn của Ferris đã lệch hướng. Ông quên mất một điều rằng còn có những người khác trong cuộc như nghiệp đoàn các phi công, ban giám đốc, v.v… Ông chỉ thấy được những gì đẹp đẽ đang diễn ra trong thế giới bên ngoài mà không thấy được những gì diễn ra ngay bên cạnh ông. Các phi công đã cố gắng mua lại hãng hàng không này, ban giám đốc tức giận và khi thời cơ chín muồi thì Ferris đã bị hất cẳng, và hãng hàng không Allegis lại trở về với cái tên ngày xưa là UAL.

    Trong cái tầm nhìn muôn màu muôn vẻ thì bạn không nên quên đi hiện thực của thế giới, sự phức tạp của môi trường ngay bên cạnh mình và yêu cầu giữ cân bằng giữa các nhóm lợi ích.

    10. Người lãnh đạo tạo nên những liên minh và quan hệ đối tác chiến lược.

    Họ nhìn thế giới trên phạm vi toàn cầu và nhận thức được rằng trong bối cảnh hiện tại, họ không thể cứ thu mình lại. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan của tương lai sẽ nhận thấy được tầm quan trọng của việc tạo dựng liên minh với những cơ quan, tổ chức khác có số phận, có quan hệ tương hỗ với số phận của cơ quan, tổ chức của họ.

    ---

    Đó chính là cách mà các nhà lãnh đạo phát triển và tạo dựng tương lai. Vậy thế hệ lãnh đạo sau này thì sao?

    ---

    Họ sẽ có một số đặc điểm chung như sau:

    • Kiến thức rộng.
    • Ham muốn tìm hiểu không có giới hạn.
    • Lòng nhiệt tình vô bờ bến.
    • Sự lạc quan có thể trao truyền cho người khác.
    • Tin tưởng vào con người và tinh thần làm việc tập thể.
    • Sẵn sàng đương đầu với rủi ro.
    • Cống hiến hết mình vì lợi ích lâu dài chứ không vì lợi nhuận trước mắt.
    • Cam kết hoàn thành công việc một hoàn thiện nhất.
    • Có khả năng thích nghi cao.
    • Đồng cảm với mọi người.
    • Có tính xác thực.
    • Tự chủ.
    • Có tầm nhìn.

    Và khi họ chứng tỏ mình, thì họ sẽ tạo nên những bước tiến mới, những ngành nghề mới, và có thể là cả thế giới mới.

    ---

    Đôi nét về tác giả: "On Becoming A Leader".

    Warren Bennis là Giáo sư danh dự của bộ môn Quản trị kinh doanh, kiêm Chủ tịch sáng lập của Viện lãnh đạo thuộc trường đại học Nam California, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng cố vấn của trung tâm giáo dục Kennydy chuyên đào tạo công chúng ở trường Đại học Harvard.

    “Nếu nói đến khoa học lãnh đạo (Leadership) thì không thể không nhắc đến Warren Bennis. Hai tác phẩm quan trọng nhất của Warren Bennis là “On Becoming A Leader” (Hành trình trở thành nhà lãnh đạo) và “Leaders” (Lãnh đạo) cũng chính là hai trong số những tác phẩm kinh điển của thế giới về lãnh đạo. Và một trong hai tác phẩm này của Warren Bennis đã được Financial Times bình chọn là một trong 50 tác phẩm kinh điển nhất về quản trị kinh doanh của mọi thời đại”.

    ---

    Emanvn

    Ngày đăng: 09-11-2017 762 lượt xem