• THÚ CHƠI CỔ NGOẠN

    Sưu tầm những món đồ xưa cũ từ lâu đã được những người đam mê xem đó là một thú chơi tao nhã. Đối với thú chơi đồ cổ, ngoài sự am hiểu, thông tuệ các món đồ gắn liền với những giai đoạn lịch sử khác nhau, điều quan trọng là phải có tính hoài cổ, tri âm với những món đồ giá trị này. Từ đó mới có thể khám phá những thông điệp ẩn chứa bên trong.

    Kiến trúc xưa được người chơi cổ ngoạn tái hiện lại.

     

    1. Tìm hiểu về thú chơi “Cổ ngoạn” của người Việt:

    Dưới các chế độ quân chủ chuyên chế, đồ cổ và các vật quý khác như vàng, ngọc… đều nằm hầu hết trong tay vua chúa, quan lại và những gia đình quý tộc. Nhân gian nếu có đồ cổ, vật quý đều phải nộp cho triều đình.

    Đến cuối thế kỷ XIX, khi nước ta rơi vào tay thực dân Pháp, mọi trật tự xã hội và quan niệm truyền thống bị thay đổi, uy quyền của vua chúa phong kiến mất dần, trong khi đó các thế lực điền chủ, thương nhân mạnh dần lên và những người này đã nghĩ tới việc chơi đồ cổ để chứng tỏ sự cao quý của mình.

    Cũng trong thời gian ấy, ở Bắc Kỳ, các nhà chính trị và giới thương gia cũng đua nhau chơi đồ cổ. Những viên quan khét tiếng như Khâm sứ Hoàng Cao Khải, Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, Tổng đốc Nguyễn Văn Định… trưng bày la liệt kỳ trân, bảo vật trong nhà, ngoài sân dinh thự nhằm thỏa mãn thú chơi quyền quý, cao sang này.

    Ở Hà Nội, giới chơi đồ cổ là các thương gia, đến nay người Hà Nội còn nhắc tới các tên tuổi: ông Hương Ký (chủ hiệu ảnh Hương Ký), ông Nguyên Ninh (chủ doanh nghiệp bánh cốm Nguyên Ninh), ông Mỹ Thắng (phố Hàng Bạc) và hai nhân vật nữ không kém nổi tiếng là bà Bé Tý, cô Tư Hồng. Những người này đều rất sành về đồ cổ và có những bộ sưu tập quý hiếm. Đặc biệt, ở phố Hàng Trống lúc bấy giờ, có nhà buôn đồ cổ lừng tiếng Hàn Liên, cụ là người kỳ cựu trong nghề buôn bán cổ vật, mà tiếng tăm đã vang khắp nơi trên Đông Dương và tới tận Paris, thủ đô nước Pháp.

    Còn trên đất Nam Bộ, thú chơi ”đồ xưa” cũng lan rộng trong nhân dân từ thành thị đến thôn quê. Ở Sài Gòn thời Pháp thuộc, nổi tiếng sành chơi cổ vật hơn cả có bà Đốc phủ Hà Minh Phải. Trên đất Vĩnh Long cũng có ông Phán Nuôi được người đương thời mệnh danh ”đệ nhất về đồ xưa”. Tại đường Catinat (nay là đường Đồng Khởi, thành phố Hồ Chí Minh) có tiệm Pháp Vũ chuyên buôn bán đồ cổ. Tiệm này chuyên cung cấp các đồ quý lạ cho những người sành điệu. Ở Chợ Lớn bấy giờ cũng có nhà buôn Chánh Đào Ngọc chuyên cung cấp các loại bình thường cho người miệt vùng Lái Thiêu và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.

    Tại miền Nam, nhà văn hóa, học giả và nhà sưu tập cổ vật Vương Hồng Sển là người đi tiên phong và viết nhiều cuốn sách để giới thiệu, luận bàn về thú chơi, cách chơi cổ ngoạn. Năm 1996, trước khi qua đời, ông đã hiến tặng Nhà nước căn nhà Vân Đường phủ và toàn bộ 849 cổ vật quý với hy vọng có thể thành lập một bảo tàng mang tên ông.

    Trong bộ Hiếu cổ đặc san của Vương Hồng Sển, tác giả tập trung khảo về đồ sành sứ. Thoạt tiên, học giả họ Vương dự định quyển thượng khảo về đồ sứ từ Hậu Lê đến Sơ Nguyễn, còn quyển trung khảo thì đồ sứ đi Tàu đem về, và quyển hạ khảo nói về các đồ sành cổ của các đế vương nhà Nguyễn như: đồ sứ men lam Huế, chuyên về đồ quốc dụng, ngự dụng, quan dụng, dân dụng, đồ phố…

    Như vậy, thú chơi đồ cổ đã khởi nguồn và phát triển rộng rãi khắp mọi miền đất nước Việt Nam từ khá lâu, thú chơi ấy cũng đã ăn sâu bắt rễ trong nhân dân cho đến tận bây giờ.

    Mỗi địa phương gắn liền với một thương hiệu gốm nổi tiếng và lâu đời, có nét hoa văn, chất gốm, tuổi đời, loại men, câu chuyện ..... khác nhau, cụ thể như sau:

    Các dòng gốm Việt, mỗi dòng gốm đều có một lịch sử riêng - phân biệt dòng gốm, tuổi đời, .... là một thử thách với người sưu tầm.

     

    2. Cái tình hoài cổ - ở người chơi:

    Ngoài sự am hiểu, thông tuệ sâu sắc về mỹ thuật và các biến động của từng thời kỳ, từng trường phái… điều quan trọng hơn là người chơi phải có cái tình hoài cổ, tri âm với cổ vật và biết “nói chuyện” với những món đồ cổ, khám phá ra những thông điệp thời gian được ấn ký trên những món đồ của người xưa.

    Người chơi đồ cổ trở thành những người truyền đạt, gắn kết văn hoá giữa xưa và nay. Cũng từ đó, những giá trị văn hoá từ ngàn xưa được gìn giữ, lưu truyền cho các thế hệ sau này.

    Ví như đồ ký kiểu, phần lớn là đĩa trà của Việt Nam thời Lê, Trịnh, Nguyễn. Ngoài ra còn một số tô, chén, lục bình, ấm trà… các loại. Tính nghệ thuật, tranh ảnh trên đồ ký kiểu đều như một bức tranh thủy mặc thể hiện được lịch sử, văn hóa của một thời đại, là bài học hay đầy tính triết lý sâu xa mà có khi phải nghiền ngẫm mới hiểu được. Tuy nhiên, trải qua thời gian và những biến động của lịch sử, loại cổ vật đặc biệt này hiện nay còn rất ít, càng đẩy chúng vào hàng thượng phẩm trong giới sưu tầm.

    Kiến thức thì vô cùng, không thể một sớm một chiều mà có thể thâu tóm hết được. Bởi vậy đã trót mê cổ ngoạn thì cứ phải học hỏi suốt đời. Người xưa rất thâm thúy, những gì để lại đều là bài học quý giá cho con cháu về nhân sinh quan, về chân, thiện, mỹ. Cổ vật nào cũng có hồn.

    Thú chơi cổ vật này cũng góp phần không nhỏ trong việc bảo quản và giữ gìn những tinh hoa truyền thống không chỉ của dân tộc mà còn của các nền văn hóa khác trên thế giới.

     

    3. Luật di sản:

    Mặc dù vậy, nhưng phải nói trước năm 2000 số lượng người chơi và sưu tập cổ vật ở Việt Nam là rất ít do có nhiều rủi ro về mặt pháp lý. Cổ vật và người chơi, sưu tập cổ vật không được luật pháp bảo hộ. Và đã có người vướng vào vòng lao lý vì có liên quan đến cổ vật dù người đó không làm gì sai trái mà chỉ vì chưa có luật!

    Mãi đến năm 2001, Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua, mở ra hành lang pháp lý để những người chơi cổ ngoạn được tự do sưu tập, mua bán, trao đổi trong phạm vi cho phép.

    Sau khi có luật, hàng loạt hội cổ vật đã ra đời như Hội Cổ vật Thiên Trường, Hội Cổ vật Thanh Hoa... thu hút hàng nghìn hội viên tham gia. Đối tượng tham gia sưu tầm cổ vật ngày một nhiều, thuộc đủ loại thành phần trong xã hội, đặc biệt có giới doanh nhân - những người có điều kiện tài chính. 

    Họ sở hữu nhiều loại hình cổ vật, trong đó có những hiện vật có giá trị nghệ thuật và kinh tế cao, một số được đánh giá là bảo vật quốc gia. Độ tuổi tham gia thú chơi cổ ngoạn cũng ngày càng trẻ hơn, trong đó có thế hệ 8X, 9X và trẻ hơn nữa.

     

    4. Sự khan hiếm:

    Loại hình cổ vật thì vô cùng phong phú từ gốm sứ, đồ đồng, đồ đá (trong đó có ngọc), đồ gỗ, giấy, vải, rồi tiền xu, tiền giấy... Có người chỉ chuyên sưu tầm một loại chất liệu duy nhất, có người thì sưu tập đủ loại, miễn là thấy hợp sở thích.

    Theo quy luật cung - cầu, số người chơi ngày càng nhiều, cổ vật thì có hạn nên giá cổ vật ngày càng cao, thậm chí còn tăng hơn cả giá nhà đất hiện nay. Nếu như trước năm 2000, những cổ vật đẹp, quý hiếm của Việt Nam đã lần lượt rơi vào tay các nhà buôn và sưu tập nước ngoài rồi xuất hiện trong gần 40 bảo tàng lớn của thế giới, thì những năm gần đây lại diễn ra hiện tượng ngược lại. Hiện tượng này cũng tương tự như đối với các tác phẩm hội họa.

    Nhiều bức tranh nổi tiếng của các họa sĩ thời Mỹ thuật Đông Dương như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Phan Chánh, Mai Trung Thứ, Bùi Xuân Phái, Tô Ngọc Vân, Lê Phổ, Nguyễn Tư Nghiêm... lần lượt được mua về Việt Nam với giá có bức hàng trăm nghìn USD. Đối với cổ vật cũng vậy, thông qua các sàn đấu giá quốc tế thêm ngày càng nhiều cổ vật quý hiếm của Việt Nam đã từng “đội nón” ra đi trước đây với giá rẻ mạt thì nay người chơi cổ ngoạn phải bỏ ra hàng nghìn, hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn USD để đưa các món đồ đó trở lại Việt Nam.

    Ví dụ khác, khi nói về vật dụng hoàng cung, một cái đĩa Khánh Xuân thị tả (đồ sứ ký kiểu thời Lê Trịnh, cuối thế kỷ XVIII), với một centimet (tính theo đường kính) có giá thị trường hiện nay khoảng 3.000 - 3.5000 USD. Nên một cái đĩa khoảng 16cm sẽ có giá 48.000 - 56.000 USD (khoảng hơn một tỷ đồng).

    Sở dĩ thời Lê Trịnh, vật dụng hoàng cung có mức giá cao vì đây là giai đoạn văn hóa, nghệ thuật, kinh tế phồn thịnh nhất, nên các vật dụng hoàng cung rất xa xỉ, chất liệu, tính nghệ thuật đều đạt đỉnh cao. Hiện nay, cũng có những dòng cổ vật thời vua chúa Trung Quốc giá lên đến vài trăm nghìn USD, thậm chí còn có mức giá một triệu đến vài chục triệu USD. Tất cả những món cổ vật quý nhất trên đời không có gì là vô giá và đều được định giá rõ ràng.

    Có những nhà đầu tư ráo riết gom một dòng cổ vật nào đó để tạo độ khan hiếm, rồi sau đó bán ra nhỏ giọt.

    Hoặc có những nhà đầu tư đi theo hướng chuyên môn, viết sách, kể chuyện về cổ vật đó để PR, quảng bá... Tất cả tạo nên bức tranh sôi động cho thị trường. Cổ vật là mặt hàng mang tính giá trị về tài sản cũng như mang tính giá trị về lịch sử, văn hóa rất cao, nên trong giới sưu tầm thường có câu "Mua của người chán, bán cho người chơi" là vậy.

    Theo đó, hôm nay bạn chơi món cổ vật này, ngày mai thấy người khác có món cổ vật đặc sắc hơn, thế là hứng thú tìm kiếm. Từ đó, giá của cổ vật ngày càng tăng. Dĩ nhiên theo quy luật, dù bạn có là tỷ phú cũng phải bán bớt cổ vật để nâng cấp món chơi, đó cũng là hình thức kinh doanh và thỏa mãn niềm đam mê.

    Có người thích chơi nhưng không phải yêu mến đồ cổ đến mức ngày nào cũng mang ra ngắm nhìn, hít hà hay khoe khoang là “đồ khủng”. Họ đến với thú chơi đồ cổ ngoài tìm sự may rủi, niềm vui, thì đúng là còn là để thỏa lòng… tham lam của mình nữa. Ai biết chơi đồ cổ, sẽ thấy nó có thặng dư trông thấy. Đồ cổ không bao giờ mất giá, chỉ có “thăng” thôi. Lúc thì “thăng” thẳng đứng, lúc "thăng" từ từ, nhưng không bao giờ không tăng giá trị.

    Nhưng không phải ai chơi đồ cổ cũng nghĩ đến giá trị vật chất, có không ít người coi đồ cổ là vật giữ của, số khác dùng làm vật trang trí trong nhà, trang trí thẩm mĩ và trang trí văn hoá cho chính mình.
     

    5. Yếu tố quyết định giá trị cổ vật:

    Trong số hàng nghìn cổ vật khác nhau, trong đó chủ yếu là gốm cổ Việt Nam từ thời Sa Huỳnh, Đông Sơn cho đến Lý, Trần, Tiền, Lê, Nguyễn... 

    Niên đại cổ vật thì từ hàng nghìn năm đến trên dưới 100 năm trước, nhưng giá trị cổ vật thì không phải cứ càng sâu tuổi càng quý mà giá trị cổ vật phụ thuộc rất nhiều vào giá trị nghệ thuật, giá trị văn hóa qua câu chuyện, sự độc đáo và hiếm gặp. “Nhất kỳ - nhì cổ” là bởi vậy.

    NST giới thiệu với chúng tôi chiếc tô mà mình đã sưu tập được mang tích Việt Vương Câu Tiễn. Xưa kia, khi phải sang nước Ngô làm con tin, Việt Vương Câu Tiễn nén lòng phục dịch đủ việc. Những lúc Ngô Vương Phù Sai có việc ra ngoài, ông phải dắt ngựa theo hầu. Quyết tâm “nếm mật nằm gai” nuôi chí phục thù, Việt Vương Câu Tiễn chấp nhận mọi tủi nhục. Kể đến đây, NST chỉ cho chúng tôi xem bức tranh trên chiếc tô: Một người mặc quan phục đang ngồi dưới tán cây chăn đàn ngựa. Vì mê tích ấy mà ông sẵn sàng bỏ ra 80 triệu đồng để sở hữu. 

    Ví dụ: Thời Lê-Trịnh, chúa Trịnh tuy tiếm quyền Vua Lê nhưng không cướp ngôi vì nghe theo lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Các đời chúa Trịnh nhờ rất mạnh về kinh tế và tiềm lực quân sự nên đồ gốm sứ đặt hàng đều vô cùng tinh xảo, thuộc hàng thượng phẩm. Dù vậy, phẩm trật vẫn thể hiện rất rõ trên các sản phẩm này khi hình tượng rồng luôn có áng mây che bớt nét uy vũ, thể hiện sự tôn trọng nhất định của chúa Trịnh đối với Vua Lê. Không có gì lạ khi hiện nay nhiều món đồ thời nhà Trịnh có giá lên đến hàng tỷ đồng.

    Đơn cử, có 1 nhà sưu tập ở Gia Lai sở hữu chiếc tô quý hiếm. Cách đây 10 năm, trước khi anh này mua về, nó đã từng bị vỡ làm 10 mảnh, khi ghép lại vẫn thiếu 1 mảnh, song mức giá vẫn “trên trời”: 250 triệu đồng! Đến nay, nhà sưu tập này vẫn quyết không bán dù có người trả hơn 1 tỷ đồng.

    Một hiện vật khác ông cũng rất ưng là chiếc tô long viên (ổ rồng) hiệu đề “Thiệu Trị niên tạo”, dù đã bị vỡ và được hàn gắn lại song giá vẫn lên đến 250 triệu đồng.  

    Ngoài ra, đối với mỗi loại chất liệu lại có những tiêu chí riêng. Ví dụ với đồ gốm sứ thì “nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ cổ”. Như vậy, niên đại đối với cổ vật là cần nhưng xếp về tiêu chí thì lại xếp cuối.

     

    6.Nạn hàng giả cổ:

    Có khá nhiều câu hỏi mà bạn bè và người trong giới cổ ngoạn thường đặt ra: Ông có bao giờ mua đồ giả chưa?

    Xin thưa, hầu như không mấy người chơi cổ ngoạn mà không bị “vấp” phải đồ giả, nhất là thời gian đầu khi chưa có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt khi công nghệ sản xuất đồ giả ngày một tinh vi, thậm chí còn đặt làm ở nước ngoài, trong đó có những món đồ được bán với giá nhiều tỷ đồng. “Học phí” đó chỉ có giảm thiểu nhờ mở rộng giao lưu, học hỏi ở những người đi trước có nhiều kinh nghiệm.

    Đôi lúc may mắn, chỉ mất 1-2 trăm nghìn để mua một món đồ nào đó mà người ta không biết giá trị của nó, gặp được những người không biết hơn nữa, để bán năm, mười triệu rất dễ dàng. Bản thân tôi khi mới vào nghề từng bị “hớ” và mất tiền ngu rất nhiều lần. Nhiều lần mua phải món đồ có giá 5-10 triệu, rồi bán lại chỉ với một vài trăm nghìn.

    Và, nhiều khi, người chơi đồ cổ hả hê, sung sướng khi “lừa” được bạn bè trong nghề. Vì bạn hiểu biết, nghề kém hơn nên ăn đòn. Theo tôi, không có nghề nào tàn nhẫn hơn nghề buôn đồ cổ: sự tàn khốc, niềm vui và đau khổ đến chỉ trong khoảnh khắc. Đây cũng là điều mà tôi ghét nhất trong nghề này. Một nghề không có tình cảm, không có sự chung thuỷ và tín nghĩa.

     

    7. Các buổi đấu giá cổ vật:

    Việc đấu giá các món đồ quý ở nước nào cũng có những yêu cầu rất khắt khe, không có chuyện kêu giá cho oách rồi để đó. Trước khi tham gia đấu giá, người mua phải đặt cọc theo một tỷ lệ nhất định, tùy theo giá trị, tính thanh khoản của cổ vật. Nếu trúng đấu giá mà không lấy thì sẽ mất tiền cọc.

    Trong trường đấu giá cổ vật ở luôn có nhà kinh doanh, nhà sưu tầm trong và ngoài nước nên mức độ gay cấn đến đâu còn tuỳ vào món đồ. Chẳng hạn, với người này có sở trường về dòng cổ vật này nhưng lại không có sở trường về dòng khác, rồi sở thích nữa. Dĩ nhiên không loại trừ có người trúng đấu giá nhưng lại cảm thấy ân hận vì giá bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực.

    Ngoài những tinh hoa về cổ vật, bảo vật trong nước, thì nước ngoài cũng là một nguồn cung cấp cổ vật, vì trên các sàn đấu giá luôn có các dòng cổ vật từ Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia... Không ít người đặt câu hỏi vì sao cổ vật tinh hoa của Việt Nam lại chủ yếu nằm ở nước ngoài và các nhà sưu tập phải đấu giá để đem về.

    Chẳng hạn như vừa rồi là cuộc đấu giá ở Pháp về cổ vật cung đình Huế như xe kéo, long sàng. Điều này xuất phát từ các vương triều phong kiến, khi thay đổi triều đại và biến cố lịch sử xảy ra thì họ thường xuất ngoại và các vật dụng thường ngày được mang theo. Thực tế là nguồn cung cổ vật cao cấp đến từ nước ngoài nhiều hơn trong nước.

    Có những nhà sưu tầm, kinh doanh cổ vật không phân biệt giới hạn về địa lý hay quốc gia, miễn những cổ vật đó thuộc đẳng cấp cao, đem đến lợi nhuận lớn. Thành ra, khi chúng tôi muốn đem món cổ vật nào về nước thì phải chấp nhận quy luật thị trường. Ngày trước khi Việt Nam khi chưa có Luật Di sản văn hóa, việc bảo vệ cổ vật quá lỏng lẻo nên dẫn đến việc "chảy máu cổ vật". Bây giờ thì kể cả việc đem cổ vật đi triển lãm cũng phải tuân theo Luật Di sản văn hóa.

    Tuy nhiên Luật Di sản văn hóa vẫn còn một số điểm thiếu tính khoa học. Trên thế giới, như Trung Quốc vốn được xem là cái nôi của cổ vật, dù họ cũng bị "chảy máu cổ vật" với số lượng rất lớn nhưng vẫn rất khoa học trong vấn đề bảo vệ cổ vật. Ví dụ, họ quy định cổ vật vào thời nhà Thanh, giai đoạn nào là được mang ra nước ngoài, giai đoạn nào là không được.

    Họ quy định những bảo vật thời Thương, Chu là không được đấu giá, kể cả trong nước. Ở Việt Nam, có những con tàu bị đắm, khi được trục vớt với hàng trăm loại cổ vật, nhưng có những hộp phấn Chu Đậu có tuổi đời 300 - 500 năm nổi tiếng trên thế giới nhưng chỉ bán với giá 100.000 đồng/hộp. Tại sao? Vì cổ vật này có quá nhiều, thậm chí đem đi nước ngoài bán cũng rất khó.

     

    8. Cách quản lý các bảo tàng cổ vật:

    Các bảo tàng lớn của Mỹ cho rằng, để một bảo tàng hoạt động tốt không chỉ đơn giản đem cổ vật bỏ vào đó trưng bày. Nó phải bao hàm nhiều hoạt động nghệ thuật, trưng bày, bảo quản, phương thức quảng bá...

    Hiện, các bảo tàng của Việt Nam chưa thu hút người xem còn bởi tư duy bao cấp, bộ máy cồng kềnh. Đó là chưa kể tình trạng một số bảo tàng trưng bày toàn phiên bản, hoặc phục chế. Người ta đến bảo tàng là muốn xem "đồ thật" hơn là xem phiên bản.

    Quản trị bảo tàng cũng như quản trị doanh nghiệp. Ở nước ngoài, các bảo tàng nổi tiếng hầu như thuộc quyền sở hữu của tư nhân. Việc quản trị mấy nghìn cổ vật với rất nhiều nền văn hóa khác với quản trị một nhà máy ở chỗ phải hiểu biết về khoa học, lịch sử, nghệ thuật hội họa, kiến trúc, cách trưng bày... Tất cả đều phải qua đào tạo. Mỹ hiện đang dẫn đầu thế giới về kinh doanh bảo tàng. Bảo tàng được xem là đặc sản của Mỹ, khách du lịch đến đây không ai bỏ qua việc tham quan các bảo tàng.

    Nên một nhà chuyên môn giỏi chưa hẳn là nhà quản lý giỏi, một nhà quản lý giỏi là phải tập hợp được những người giỏi chuyên môn. Tùy vào điều kiện của từng DN mà có cách quản trị, cách dụng nhân khác nhau. Do vậy, người quản lý giỏi phải tạo "đất dụng võ” cho nhân sự, tạo điều kiện để họ sống được với chuyên môn và "ngôi nhà thứ hai" mà họ đã chọn.

    ------------------

    Trung Hậu (tổng hợp)

    Xem thêm:

    Thú sưu tầm chơi đĩa than cho người mới bắt đầu - âm thanh mộc.

    Thú chơi đầu băng cối.

    Thú chơi đầu đĩa than.

    Thú chơi máy loa kèn cổ.

    Thú chơi ampli đèn.

    Thú sưu tầm đồng hồ ODO cổ.

    Thú sưu tập đồng hồ bấm giờ chronograph.

    Ngày đăng: 04-05-2023 264 lượt xem