• BẤT NGỜ VỚI 7 SAI LẦM GIẾT CHẾT DOANH NGHIỆP VÀ CỬA HÀNG NHỎ

    Bạn đang sở hữu 1 doanh nghiệp nhỏ hay 1 cửa hàng nhỏ. Sau nhiều năm làm việc chăm chỉ và tìm nhiều cách, bạn vẫn đang chật vật với công việc kinh doanh của mình. Bạn muốn mọi người công nhận thành quả của mình, cố gắng hết sức để chứng minh điều đó nhưng vẫn chưa thành công.

     

     

    Tìm hiểu xem bạn có đang mắc 7 sai lầm chết người này không:

     

     SAI LẦM 1: KINH DOANH KHÔNG CÓ CHIẾN LƯỢC
    Rất nhiều người mới kinh doanh thường chọn hình thức giảm giá để cạnh tranh trên thị trường đơn giản vì họ không biết chiến lược kinh doanh. Nhưng việc giảm giá làm cho doanh nghiệp đã nhỏ còn nhỏ hơn và giúp bạn đi xuống thung lũng "tử thần" nơi rất nhiều doanh nghiệp thất bại. Đối thủ của bạn đang giảm giá 30%, rồi lại đối thủ khác giảm giá 40% vậy bạn sẽ giảm giá 50% để cạnh tranh với họ chứ. Hãy cân nhắc và lựa chọn cho mình một chiến lược sáng suốt.

     

     SAI LẦM 2: KHÔNG BIẾT CHĂM SÓC KHÁCH HÀNG
    Khách hàng rất thích được chăm sóc theo cá nhân hóa từng người. Các cửa hàng bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ không thể nào ngay lập tức có nhiều khách và cạnh tranh với doanh nghiệp lớn được. Nên nhớ khách hàng chính là người đem lại cho bạn doanh thu, sự khác biệt lớn nhất của người mới bắt đầu đó chính là dịch vụ chăm sóc khách hàng của bạn so với đối thủ. Cho nên nếu không biết nâng niu từng vị khách hàng của mình cũng đồng nghĩa với việc cánh cửa thành công của bạn đang dần khép lại.

     

     SAI LẦM 3: KHÔNG BIẾT TỐI ƯU CHI PHÍ

    Đầu tiên phải nói đến là các hạng mục chi phí, mặc dù đã phân tích kế hoạch chi phí, nhưng do chưa có hồ sơ hoạt động và không nắm rõ các yếu tố tác động, nên số liệu không cụ thể và không đầy đủ, thậm chí một số chi phí ngầm và chi phí phát sinh mà bạn chưa nắm rõ, nên các quyết định đầu tư và chuẩn bị hệ thống kinh doanh bạn thường đoán chừng và canh theo thị trường, hoặc kinh nghiệm hay cách làm của người điều hành trước. Từ đó có những thương lượng, đàm phán mà sau đó hậu quả là doanh thu không đủ bù chi, vì vậy phải cẩn thận % chi phí theo doanh thu là điều cần và nên xem xét.

    Mới kinh doanh ai cũng nghĩ phải chi tiền vào để chạy quảng cáo thì sẽ có khách hàng, nhưng ngân sách của doanh nghiệp nhỏ thường bị bó hẹp rất nhiều trong khi còn nhiều hạng mục cần phải chi. Đừng chỉ bó hẹp suy nghĩ của mình, có những hình thức tìm kiếm và dẫn dắt khách hàng chỉ với chi phí gần như bằng 0 đấy.

     

     SAI LẦM 4: ẢO TƯỞNG VỀ THÀNH CÔNG
    Nên nhớ không có một thành công nào là dễ dàng, nhất là trong kinh doanh. Đừng ngồi đó mà ảo mộng cách thưởng thức sự thành công mà không chịu bắt tay vào làm cật lực.

    Bạn có thể lấy những Bill Gates, Steve Jobs, Jack Ma,... làm thần tượng, làm động lực để phấn đấu, nhưng nên nhớ bạn là ai, xuất phát điểm của bạn thế nào so với họ, và khi bạn tìm hiểu kỹ thì những người đó không phải đơn giản mà họ có được thành công như ngày hôm nay.

    Nhiều người lúc đầu mới kinh doanh thì hồ hởi với các tuyên ngôn "Bất chấp, bất chấp làm giàu" nhưng khi gặp phải những khó khắn đầu tiên, bắt đầu nản chí, không còn có động lực, bỏ cuộc giữa đường làm MẤT CẢ CHÌ LẪN CHÀI.

     

     SAI LẦM 5: KHỞI NGHIỆP MỘT MÌNH HOẶC CHỌN SAI ĐỐI TÁC ĐỒNG HÀNH

    Là một người khởi nghiệp đơn độc, bạn sẽ rất khó có cơ hội phát huy hết sức mạnh tri thức và nhận được các khoản đầu tư từ các nhà tài trợ. Thực tế, không phải là một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi các công ty khởi nghiệp thành công đều được sáng lập bởi ít nhất 2 người. Vì vậy, muốn thành công và có nhiều nguồn tài trợ, đừng bao giờ khởi nghiệp một mình.

    Hãy tìm cho mình một người đồng hành. Và phải nhớ là hai người nên ở 2 thế mạnh khác nhau. Đây là điều quan trọng. Người lo kỹ thuật, người lo kinh doanh. Chứ cả 2 chỉ biết kỹ thuật thôi thì không ổn cho các khâu còn lại của một doanh nghiệp. Các khó khăn sẽ phát sinh nhiều hơn và dẫn đến nhiều nguy cơ hơn.

    Cũng như việc tuyển dụng nhân viên, không nhất thiết phải tìm cho ra người giỏi nhất, mà nên tìm người có năng lực, tính cách và sở thích phù hợp nhất với đội ngũ, cũng như phù hợp với định hướng của công ty, sẽ thúc đẩy năng suất làm việc cao hơn, mang đến hiệu quả kinh doanh tốt hơn.

    Tuy nhiên, chuyện bất đồng quan điểm giữa các thành viên sáng lập là điều luôn có thể xảy ra. Hãy cố gắng tạo mối đoàn kết, chia sẻ và cùng nhau đưa ra hướng giải quyết mỗi khi có khó khăn. Tốt nhất là nên có một thỏa thuận nguyên tắc ứng xử và điều hành. Đừng để xảy ra mâu thuẫn hay tranh chấp trong nội bộ, bởi chính điều này sẽ khiến startup của bạn tự thua và chóng rút khỏi thương trường.

    Có rất nhiều người khởi nghiệp và cũng đã có rất nhiều người bỏ cuộc. Nếu bạn là một người không đủ đam mê, kiên nhẫn và không đủ dũng cảm theo đuổi dự án đến cùng, chắc chắn mọi thứ sẽ nhanh chóng tan thành mây khói. Vì vậy, hãy thật sự kiên nhẫn.

     SAI LẦM 6: ĐÁNH GIÁ SAI LĨNH VỰC ĐẦU TƯ

    Chọn sai lĩnh vực đầu tư chỉ để thỏa cảm tính hay đam mê khi bắt đầu khởi nghiệp sẽ khiến mọi thứ bị trì trệ, chưa kể nếu muốn bắt đầu lại bạn sẽ phải tốn thêm một khoản tiền lớn và thời gian. Vì thế, hãy suy nghĩ và đánh giá thật kỹ trước khi lựa chọn một lĩnh vực nào đó để đầu tư.

    Trước khi quyết định thành lập, sẽ có rất nhiều câu hỏi xoay quanh bạn như có nên mở vào thời điểm này, mình đã có đủ kinh nghiệm, kiến thức, và nhất là mối quan hệ khách hàng trong ngành này hay chưa… và ... nếu bạn chỉ nhắm vào đầu tư và quảng bá thương hiệu mà chẳng quan tâm đến việc nghiên cứu đối tượng khách hàng cho mình, chính việc làm tai hại này sẽ khiến sản phẩm của bạn bị “ế ẩm” đấy.

    Gấp rút mở startup khi mọi thứ chưa được chuẩn bị sẵn sàng rất dễ khiến mọi thứ trở nên loạn và bạn sẽ không kiểm soát được, ảnh hưởng đến uy tín và kết quả kinh doanh của công ty.

     SAI LẦM 7: “COPY” Ý TƯỞNG HOẶC SẢN PHẨM ĐÃ CÓ TRÊN THỊ TRƯỜNG

    Đây là sai lầm mà nhiều startup đã mắc phải. Nếu bạn cứ bắt chước người khác, bạn sẽ mãi mãi đi theo bóng của họ và tất nhiên chẳng bao giờ vượt lên nổi. Google của ngày mai sẽ không còn là Google hôm nay, nên nếu bạn chỉ bắt chước, thì bạn đã biết vị trí của mình rồi đấy, doanh nghiệp của bạn sẽ mãi mãi ở phía sau.

    Điều đó có nghĩa là nếu có bắt chước thì cũng phải biết kết hợp cải tiến sáng tạo đi trước người khác, doanh nghiệp của bạn mới có cơ hội nhiều hơn.

    Trước đó là bạn phải xác định thị trường: ngách hay tổng, đối tượng khách hàng qui mô lớn hay nhỏ, chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp ... mà từ đó có những quyết sách về sản phẩm cho phù hợp với thị trường. Bạn phải hiểu là chất lượng sản phẩm do cách định hình thương hiệu quyết định, bạn muốn thương hiệu này dành cho ai, vậy nó nên tốt hay chỉ trung bình, đa dạng hay chỉ chuyên sâu?

    Và cái gì cũng có giá của nó, nếu bạn đầu tư quá ít tiền, thì sản phẩm của bạn chẳng thể nào đạt chất lượng và chậm ra thị trường, từ đó uy tín sẽ bị ảnh hưởng và bạn sẽ rất khó thành công.

    Còn nếu bỏ ra nhiều tiền mà sản phẩm không phù hợp, hoặc bằng cách chọn thị trường ngách quá hẹp hoặc quá rộng, bạn đang tự gây khó khăn cho mình. Đây không phải là lựa chọn thông minh.

     

      Nếu những vấn đề kể trên chính là những điều bạn đang gặp phải thì hãy giải quyết ngay lập tức trước khi đi vào vết xe đổ của những doanh nghiệp đã thất bại.

     

    Emanvn TH

    Ngày đăng: 05-07-2018 1,442 lượt xem