• ĐỒNG HỒ BÁN Ở VIỆT NAM THƯỜNG CÓ GIÁ THẤP HƠN NƯỚC NGOÀI ?

    Có lẽ mọi người hay thắc mắc rằng tại sao cùng là một chiếc đồng hồ mà ở Việt Nam chúng ta vẫn hay trao đổi và mua bán với mức giá (giá trị) thấp hơn khá nhiều so với nước ngoài. Hãy cùng tham khảo một vài luận điểm dưới đây nhé !

    1. Do “Guu” chơi:
     
    Ở Việt Nam, phần đông chơi những chiếc đồng hồ rất phổ thông. Do những chiếc đồng hồ này khá dễ tìm nên sẽ có rất nhiều cơ hội để mua được giá tốt. Đặc biệt là còn có thể mua khá rẻ nếu gặp đúng những người bán đang cần tiền gấp.
     
    Những chiếc đồng hồ phổ thông dễ tìm kiếm nên số lượng tồn tại trong thị trường là rất lớn. Nếu ai đó muốn thanh khoản thật nhanh thì chỉ cần hạ giá xuống thấp hơn mức bình thường 1 chút thì bạn sẽ bán được ngay.
     
    Hệ lụy là dù giá họ mua ở nước ngoài cao nhưng sau nhiều lần bán tháo như vậy, chiếc đồng hồ đã đạt đến “trạng thái cân bằng mới” với một mức giá thấp hơn. Người tiêu dùng thấy vậy liền coi đó là mức giá “tiềm năng” để mua những chiếc như vậy ở lần sau.
     
    2. Chi phí sửa chữa:
     
    Chi phí sửa chữa ảnh hưởng rất lớn đến giá trị bán lại của đồng hồ! Đây là sự thật!
     
    Ở nước ngoài, họ được trả lương theo giờ tương xứng với từng ngành và level của con người. Chính vì vậy, nhiều chiếc đồng hồ tầm trung (giá tương đối rẻ) ở nước ngoài khi hỏng hóc hoặc đến thời kỳ cần bảo dưỡng, chủ nhân đã lựa chọn cách bán đi lấy tiền và thêm vào đó một khoản để mua chiếc đồng hồ mới. Có thể nói chi phí sửa chữa bảo dưỡng ở nước ngoài rất lớn và tuỳ từng đơn vị bảo dưỡng có thể lên tới vài trăm $.
     
    Còn chi phí sửa chữa bảo dưỡng ở Việt Nam thì có thể nói là rất rẻ so với bên nước ngoài. Chính vì vậy nhiều chiếc đồng hồ rẻ mua từ nước ngoài về chỉ cần bảo dưỡng ở Việt Nam bởi những người thợ lành nghề với mức phí hợp lý là có thể trở thành những chiếc đồng hồ tuyệt vời.
     
    Do vậy, ở Việt Nam, chúng ta mới có thể dễ dàng trao đổi buôn bán những chiếc đồng hồ đã qua sử dụng với mức giá rẻ như vậy.
     
    3. Thông lệ mua bán:
     
    Ở nước ngoài, việc mua bán thường bị đánh thuế. Và để tiện, họ sẽ cộng luôn phần thuế mà người bán phải trả vào Giá Bán.
     
    Nếu ở Việt Nam cũng bị đội giá thêm bởi chi phí sửa chữa (như ở nước ngoài) và cộng thêm 15-20% tiền thuế = thì bạn đã thấy con số tăng lên đáng kể đúng không?
     
    Ở Việt Nam, chủ yếu những món đồ cũ truyền tay nhau mua bán trực tiếp giữa những cá nhân. Đó cũng là một trong những lí do khiến mức giá bán đồng hồ ở Việt Nam thấp hơn ít nhất 20-25% so với nước ngoài.
     
    4. Phí ship:
     
    Bạn biết rồi đấy, chi phí vận chuyển (ship) là một yếu tố cấu thành nên giá sản phẩm vì nó ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận của người bán, và mức độ suy nghĩ có nên mua ở các thị trường bên ngoài hay không từ phía người mua.
     
    Các đơn vị vận chuyển nên sẽ có nhiều mức giá ship + tiền bảo hiểm + chi phí đổi tiền rất lớn. Điều này sẽ khiến giá một chiếc đồng hồ có thể bị tăng 10% nữa. Do đó, những người bán ở Việt Nam chủ yếu lựa chọn những nơi có phí ship thấp với Việt Nam để mua đồng hồ như Nhật, Campuchia, Thái…
     
    Những chiếc đồng hồ trong nước, không phải mua từ nước ngoài về sẽ thường có giá bán tốt hơn hẳn những chiếc đồng hồ bị “gánh” phí ship.
     
    Việc người bán ở nước ngoài ghi “Free Ship” hay để mức giá ship thấp thường sẽ khiến người tiêu dùng dễ dàng chấp nhận mua hàng hơn. Nhiều người sẽ có câu hỏi rằng liệu người bán có thể “trụ” được bao lâu ? Câu trả lời đơn giản là họ đã tính luôn tổng tiền ship vào giá trị món hàng “Free Ship”. Điều này kích thích tâm lý mua hàng, tăng khả năng tìm kiếm trên các trang thương mại điện tử.
     
    5. Cộng đồng người mua:
     
    Người Việt Nam luôn có xu hướng lựa chọn những món đồ Ngon, Bổ và Rẻ và coi đó là sự "Thông Minh" trong mua hàng. Nhưng bạn nên hiểu rằng người mua, luôn ở vị trí “Yếu” hơn so với người bán.
     
    Hãy chấp nhận những món đồ giá trị thật đúng nghĩa từ những người bán uy tín. Dù vẫn còn tồn tại những bất cập, nhưng dần sẽ biến mất hoặc bị hạn chế khi mà người mua cũng có kiến thức và chỉ chấp nhận những món đồ tốt nhất.
     
    Nhiều người chơi ở Việt Nam chỉ định lượng giá trị đồng hồ theo cảm tính là đồng hồ đẹp, bóng bẩy, độc lạ,… chứ không hề quan tâm đến tính lịch sử, mức độ quý hiếm và tầm ảnh hưởng của thương hiệu trên thị trường quốc tế. Điều này làm cho những chiếc đồng hồ quý hiếm sẽ không được đón nhận đúng giá trị. Và chúng ta biết rồi đó, “vòng lặp” sẽ quay trở lại rồi vô hình chung biến những chiếc đồng hồ có giá trị sưu tầm cao thành những chiếc đồng hồ phổ thông!
     
    6. Cộng đồng người bán:
     
    Ở Việt Nam đều là tự phát, họ đơn lẻ không có tính hợp tác, không chia sẻ và bảo vệ lẫn nhau. Thuần tuý thấy ai “hơn” mình, ai có đồ tốt hơn mình thì nói xấu, dìm hàng.
     
    Việc làm này đem lại hệ luỵ rất lớn là “ông nói xấu được tôi thì tôi cũng sẽ làm được lại”! Lâu dần toàn bộ người bán đều nghĩ mình giỏi, là hơn người ... và cô lập nhau.
     
    Tại sao điều này lại ảnh hưởng đến giá trị của đồng hồ?
     
    Khi người bán cần tiền, vì cô lập nên chỉ có 1 cách duy nhất là tự hạ giá. Và hạ đến khi nào có người mua thì thôi. Điều này làm giảm giá trị rất lớn của những chiếc đồng hồ.
     
    Nước ngoài thì họ ngược lại, gắn bó chặt chẽ với nhau, việc ai người đấy làm, không tìm cách “dìm hàng” nhau, mà thay vào đó họ tạo thành một nhóm, quy định những yếu tố để được tham gia, quy định những mức giá để có thể trao đổi vs nhau. Nếu người bán nào đang cần tiền gấp, họ có thể đăng bán giá quy ước trong nhóm -  người bán khác sẽ mua lại để tiếp tục bán. Vô hình chung họ bảo vệ được giá trị của những món đồ, tạo sự liên kết giữa những người bán với nhau. Có thể cùng một loại sản phẩm nhưng họ vẫn có những thị trường riêng của mình.
     
    Chính vì vậy mà hàng loạt mức giá khác nhau được niêm yết trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, và họ vẫn kinh doanh rất thành công vì họ trao cho khách hàng những Giá Trị tương xứng với giá bán.
     
    Tôi rất mong muốn chúng ta cùng học được sự văn minh trong cách chơi của cả người mua lẫn người bán. Nơi mà người mua sẽ hài lòng vì họ có thể sở hữu được những món đồ cổ quý hiếm, và người bán cũng có công việc kinh doanh tốt thuận lợi.
     
    Hãy nghĩ đến điều chúng ta Nhận được. Đừng nghĩ đến điều chúng ta mất đi.
     
    Lợi nhuận không phải là trên hết !
     
    Những chiếc đồng hồ cổ sưu tầm quý hiếm sớm đã được những nhà sưu tầm ở cộng đồng Châu Âu, Anh, Pháp,…đem về bộ sưu tập của mình từ rất lâu. Đôi khi việc mong muốn sở hữu sẽ gặp phải chi phí vận chuyển và bảo hiểm rất lớn.
     
    Và những nhà sưu tầm như tôi sẽ vẫn chấp nhận, và luôn mong chờ đến ngày tôi sở hữu được những chiếc đồng hồ mà tôi yêu thích, đơn giản tôi đang nghĩ đến ĐIỀU TÔI NHẬN ĐƯỢC chứ không phải vì chi phí mà tôi sẽ phải mất đi.
     
    Cuối bài viết xin gửi mọi người xem vui những chiếc đồng hồ mà tôi luôn yêu thích.
    Hy vọng bài viết sẽ được đón nhận và chia sẻ với tất cả các anh em đam mê đồng hồ.
     
     
     
     

    Nam Nam

    Ngày đăng: 01-12-2023 109 lượt xem