• XÂY DỰNG LÒNG TIN BỀN VỮNG TRONG TÂM TRÍ CỦA KHÁCH HÀNG

    Phá sản là “cái chết” của một doanh nghiệp về mặt tài chính, nhưng mất đi chữ tín chính là “cái chết” về mặt xã hội. Theo nhiều nhà quản lý, trong kinh doanh, việc đánh đổi chữ tín để lấy lợi nhuận không chỉ là cách làm chụp giật thể hiện tầm nhìn ngắn hạn mà trong nhiều trường hợp việc này còn ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp.

     
     
    Tôi sinh ra trong một gia đình bố mẹ tôi là công nhân. Cuộc sống tuổi thơ rất êm đềm, tuy nhiên khi tôi lên cấp hai cũng là lúc mẹ tôi bệnh không tiếp tục công việc khuân vác nặng nhọc được đành ở nhà. Bao nhiêu gánh nặng đè lên vai bố tôi.
    Cuộc sống vốn đã khó khăn giờ trông ông càng tiều tụy hơn nữa. Có lẽ bố tôi vất vả quá, mẹ tôi không nói ra nhưng tôi cảm nhận được trong sâu thẳm mẹ rất thương bố tôi, thế rồi một ngày bà quyết định ra mở hàng ăn như một cách để phụ giúp cho bố tôi đỡ vất vả hơn và chính từ cái quán ăn bé xíu của mẹ tôi đã dạy tôi bài học kinh doanh đầu đời, bà cũng là người thầy đầu tiên của tôi trên bước đường đời sau này.
    Ngày ấy mẹ tôi mua lại một quán ăn nhỏ trong khu chợ gần nhà, cứ đi học xong là tôi ghé về quán phụ bà vừa phục vụ, vừa rửa bát. Quán của mẹ tôi rất đông khách, lúc đầu tôi nghĩ bà có duyên nên càng bán càng đông, nhưng sau này tôi mới phát hiện ra đó chỉ là một phần. Vì là trên chợ nên khách hàng của mẹ tôi đủ các thành phần học sinh, công nhân, các bà nội trợ, các cô bác bán hàng trên chợ.
    Bà có một nguyên tắc mỗi ngày chỉ bán hết nồi nước dùng là dừng, ai có vào ăn bà cũng cương quyết không bán, đúng ra khách đông bà hoàn toàn có thể pha thêm nước sôi, nêm gia vị vào để bán. Chính vì vậy mà tô bún của mẹ tôi luôn đậm đà được khách hàng ưa thích. Bài học đầu tiên tôi học được từ mẹ đó là sự CHÍNH TRỰC TRONG KINH DOANH.
    Trên chợ cũng có nhiều quán giống của mẹ tôi nhưng bạn hàng trên chợ ghé vào quán của mẹ tôi rất đông, họ vào ăn bún đôi khi lại mời mẹ tôi mua hàng của họ và bà cũng vui vẻ mua ủng hộ như là một cách có qua có lại nhưng có lẽ cái quan trọng nhất họ ghé quán của bà là do họ yêu quý mẹ tôi, mẹ tôi có một nguyên tắc nói một là một, hai là hai.
    Nếu bà nói hôm nay trả tiền hàng thì cho dù có phải đi mượn người khác bà cũng mượn bằng được để trả cho bạn hàng, cái tính này của bà còn đúng luôn với con cái như tụi tôi. Bà nói mượn là phải trả. Trong làm ăn phải luôn sòng phẳng có như vậy mới tồn tại lâu dài và bền vững được. Chính vì lẽ đó mà mẹ tôi luôn được các bạn hàng quý mến và thường vào quán ăn để ủng hộ việc kinh doanh của bà. Mẹ tôi đã cho tôi thêm một bài học troNg kinh doanh đó là sự SÒNG PHẲNG VÀ UY TÍN CÁ NHÂN.
    ---
    Sau này khi lớn lên và đi làm có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều khách hàng kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác nhau tôi đã chứng kiến có nhiều người đã rất thành công khi kinh doanh bằng CÁI TÂM, SỰ CHÍNH TRỰC và luôn đặt UY TÍN BẢN THÂN làm kim chỉ nam cho việc kinh doanh của mình. Từ một ông chủ tiệm thuốc cho nợ cũng nhất quyết không nợ, đến một anh nhân viên bảo hiểm tư vấn hết mình để đảm bảo khách hàng hiểu rõ, hiểu đúng về sản phẩm mặc dù biết khách hàng hiểu rõ quá có thể hợp đồng sẽ không được ký, một ông chủ bán xe hơi khách hàng sẵn sàng đưa trước hơn hai tỷ nhờ ông tìm mua hộ chiếc xe ưng ý mà chẳng mảy may lo sợ... Tất cả những con người đó tựu chung lại đều có những điểm chung ở họ là sự chính trực và uy tín trong kinh doanh. Chính những điều đó đã giúp họ theo năm tháng xây dựng được lòng tin bền vững trong tâm trí của khách hàng, là nền tảng góp phần vào thành công kinh doanh của họ.
    Viết đến đây tôi chợt nhớ có một vị doanh nhân rất nổi tiếng trong ngành ngân hàng trước đây đã nói rằng: "Mất tiền chưa là gì, mất tình mới mất một nửa, mất uy tín là mất hết".
    ---
    Theo ông Nguyễn Dương một chuyên gia về trải nghiệm khách hàng cũng cho rằng, phá sản là “cái chết” của một doanh nghiệp về mặt tài chính, nhưng mất đi chữ tín chính là “cái chết” về mặt xã hội. Ông cũng bổ sung thêm rằng: Thời đại hiện nay chính là thời đại của khách hàng. Bởi lẽ khách hàng có thể tiếp cận tất cả các nhà phân phối trên toàn thế giới mà không có rào cản nào, đồng thời họ cũng có thể đưa ra những nhận xét cả tốt và xấu về doanh nghiệp. Chính điều này đặt ra yêu cầu cạnh tranh lớn giữa các doanh nghiệp và đặc biệt uy tín của doanh nghiệp là rất quan trọng.
    ---
    Theo nhiều nhà quản lý, trong kinh doanh, việc đánh đổi chữ tín để lấy lợi nhuận không chỉ là cách làm chụp giật thể hiện tầm nhìn ngắn hạn mà trong nhiều trường hợp việc này còn ảnh hưởng tới sự sống còn của doanh nghiệp. Về chữ tín, chúng ta có thể lấy ví dụ về các doanh nghiệp Nhật Bản, bởi họ nổi tiếng bởi uy tín của mình trên trường thế giới.
    Các doanh nghiệp Nhật Bản không xem tăng trưởng doanh số là chỉ số đo lường chữ tín mà hình ảnh doanh nghiệp mới là điều cốt lõi. Doanh nghiệp bị nhiều khách hàng phàn nàn chính là doanh nghiệp đang mất uy tín.
     
    Emanvn | KT Nguyen
    Ngày đăng: 30-11-2017 1,133 lượt xem