• DỪNG VÀ NHÌN LẠI

    Đó là một lời khuyên hữu ích. Trước khi bắt tay làm một việc gì đó, bạn cần hiểu rõ mọi thứ có liên quan và phương pháp tối ưu để thực hiện công việc đó. Nếu cần, hãy tạm dừng để đánh giá lại công việc của bạn.

     

    Nếu miếng giẻ lau nhà của bạn đã bẩn mà bạn không xả lại thì mỗi lần lau bạn chỉ làm sàn nhà bẩn hơn mà thôi.

     

    Sao anh không nghỉ một chút, giải lao và mài lại lưỡi cưa cho bén hơn? Chắc chắn anh sẽ hạ cái cây này dễ dàng hơn!
     
    Anh thợ không buồn nhìn vị khách qua đường, xua tay đáp:
     
    - Đừng cắt ngang công việc của tôi. Anh không thấy tôi đang rất bận sao? Anh nghĩ tôi có thời gian ngồi đây nghỉ ngơi à? Tôi phải hạ cái cây này nội trong hôm nay nên tôi không còn đầu óc đâu mà nghĩ đến việc gì khác. Tôi đang bận và mong anh cứ để tôi một mình. Xin đừng làm mất thời gian của tôi.
     
    Có lẽ bạn nghĩ không một người bình thường nào suy nghĩ như người thợ nọ, nhưng sự thật là nhiều người trong chúng ta lại hành động đúng như thế. Họ tự hỏi tại sao cái cây không chịu đổ, nhưng lại không nhận ra lưỡi cưa của họ cùn đến mức nào. Họ tự trách mình chưa đủ chăm chỉ và họ càng làm việc cần mẫn hơn, chứ nhất định không tìm cách khác thông minh hơn.
     
    Abraham Lincoln từng nói: “Nếu tôi có 8 giờ để hạ một cái cây, tôi sẽ dành 6 giờ để mài sắc lưỡi rìu của tôi”.
     
    Đó là một lời khuyên hữu ích. Trước khi bắt tay làm một việc gì đó, bạn cần hiểu rõ mọi thứ có liên quan và phương pháp tối ưu để thực hiện công việc đó. Nếu cần, hãy tạm dừng để đánh giá lại công việc của bạn. Nếu miếng giẻ lau nhà của bạn đã bẩn mà bạn không xả lại thì mỗi lần lau bạn chỉ làm sàn nhà bẩn hơn mà thôi.
     
    Tôi để ý thấy rằng điều các bạn trẻ ngày nay cần nhất không phải là một lý lịch đẹp mắt hay bảng điểm ấn tượng, mà là giá trị tự thân của chính họ. Họ thường bận rộn với các kỳ thực tập hay hướng nghiệp và học hỏi kinh nghiệm, nhưng ngạc nhiên thay, một số lượng lớn bạn trẻ không chú ý gì đến phương pháp giải quyết vấn đề hay cách thức sử dụng thời gian sao cho hiệu quả. Họ làm mọi việc theo quán tính. Họ làm việc đó vì cha mẹ họ bảo thế, vì bạn bè và xung quanh họ ai cũng đang làm thế, vì họ nên làm một việc gì đó – dù sao cũng tốt hơn là không làm gì cả!
     
    Trừ phi bạn có mục tiêu rõ ràng và áp dụng các phương pháp thích hợp để đạt mục tiêu đó, nếu không bất cứ nỗ lực nào của bạn cũng đều là sự lãng phí thời gian. Tôi tin rằng: thành quả theo nghĩa đúng nhất của nó chỉ có được khi bạn hội đủ ba yếu tố sau:
     
    - Có ý thức rõ ràng về mục tiêu,
     
    - Có phương pháp thích hợp và
     
    - Một cam kết thực hiện mục tiêu đến cùng.
     
    Tuy nhiên, quá nhiều bạn trẻ hành động giống người thợ nói trên – không mảy may quan tâm đến mục tiêu và phương pháp, mà chỉ chăm chăm rèn luyện tính cần cù và sự kiên định mù quáng.
     
    Nhưng đó là một biểu hiện của sức ỳ tâm lý – chăm chỉ làm việc nhưng lại nhàn rỗi khi cần tự soi rọi bản thân. Nếu không tự soi xét mình, bạn sẽ đi lệch mục tiêu hoặc không làm được việc gì đến nơi đến chốn.
     
    Vậy bạn tự soi rọi bản thân như thế nào?
     
    Tự soi xét mình là suy ngẫm kỹ lưỡng, thấu đáo về bản thân. Nhưng suy nghĩ sâu xa và trăn trở thôi vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là kinh nghiệm. Bạn cần tích lũy kinh nghiệm cá nhân, đọc nhiều sách, giao tiếp nhiều hơn và đi đây đi đó nhiều hơn.
     
    Không gì làm con người trưởng thành nhanh hơn những kinh nghiệm cá nhân. Người xưa từng nói: “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Người châu Âu cũng có câu tương tự: “Tuổi trẻ biếng nhác, tuổi già khốn quẫn”.
     
    Tuy nhiên, hầu như không thể trải nghiệm tất cả mọi thứ vì chúng ta chỉ có quỹ thời gian giới hạn cùng nhiều rào cản về hoàn cảnh. Vậy chúng ta hãy đọc. Hãy đọc sách, báo, tạp chí… về gương thành công và cả thất bại của những người nổi tiếng. Hãy đọc, đọc và đọc nữa. Sau đó đối chiếu với chính bạn và suy ngẫm.
     
    Giao tiếp với những người có kiến thức và kinh nghiệm hơn bạn cũng là một kênh hữu ích để mở mang đầu óc và tích lũy kinh nghiệm. Có thể bạn cho rằng mình đã giao tiếp đủ với bạn bè đồng trang lứa hay các sinh viên lớn hơn trong trường. Điều đó tốt, nhưng chưa đủ. Bởi vì họ chỉ có những kiến thức và kinh nghiệm ngang với bạn. Họ có thể có cùng mối quan tâm và chia sẻ những suy nghĩ của bạn, nhưng đa phần họ không thể khai sáng cho bạn. Hãy nói chuyện và tìm kiếm lời khuyên từ những người lớn tuổi hơn, có kinh nghiệm sống phong phú hơn, như các giáo sư và những nhà lãnh đạo công ty.
     
    Đi du lịch cũng là một lựa chọn hay. Đi đây đi đó là cơ hội tuyệt vời để bạn học những cái hay, cái mới xung quanh. Đó còn là dịp để bạn suy nghĩ về ý nghĩa sự vắng mặt của mình đối với những con người thân quen hay cộng đồng của bạn. Đôi khi trên một chuyến tàu, tôi nhìn thấy những phong cảnh thiên nhiên mới lạ bên ngoài cửa sổ và liên tưởng tới việc chính mình đang vật lộn chật vật giữa chốn đô thị đông đúc và ngột ngạt. Thế rồi tôi có được bức tranh rõ ràng về chính mình – tôi đã làm điều gì đúng, điều gì sai – những điều bấy lâu nay tôi vẫn giấu kín dưới tấm thảm chùi chân nhà mình. Tôi nghĩ bạn cũng có thể nhìn thấy chính mình từ những góc nhìn khách quan, khi bạn ở một nơi khác, tại một vùng đất khác, với khung cảnh khác.
     
    Một lợi ích nữa của việc đi du lịch là bạn sẽ nhận ra rằng những điều bạn luôn nghĩ là bình thường và chưa từng để tâm lại là những điều đáng chú ý, nhất là khi bạn ra nước ngoài. Bạn sẽ thấy những người xung quanh sống với một ý thức khác hẳn bạn về giá trị bản thân và giá trị cuộc sống. Bạn sẽ tự hỏi: “Tại sao mình phải làm việc cật lực và sống khó khăn như thế?”. Đi du lịch cho bạn cơ hội hỏi những câu như thế mà không bị định kiến hay điều kiện nào chi phối.
     
    Vì thế, hãy bỏ lại điện thoại di động và máy ảnh của bạn trong ngăn kéo và lên đường. Thay vì đến các điểm du lịch nổi tiếng để chụp ảnh về khoe với bạn bè, hãy bắt đầu cuộc hành trình gặp gỡ chính bạn.
     
    Mục tiêu, phương pháp và hành động.
     
    Để hoàn thành bất cứ điều gì trong cuộc sống – để đạt được thành công hay biến ước mơ của bạn thành sự thật – bạn phải kết hợp được ba yếu tố này lại với nhau.
     
    Mọi việc bạn làm sẽ là vô nghĩa nếu bạn không có mục tiêu, sẽ không hiệu quả nếu không có phương pháp đúng, và việc sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có kế hoạch hành động.
     
    Đó là chiếc kiềng ba chân. Thiếu một trong ba chân, chiếc kiềng sẽ không đứng vững được. Bạn phải liên tục soi rọi bản thân để bảo đảm rằng ba yếu tố này luôn ở trạng thái cân bằng.
     
     
    - Rando Kim/Tuổi trẻ, khát vọng và nỗi đau -

     

    Ngày đăng: 23-02-2018 1,392 lượt xem