• TÁI CẤU TRÚC HÃY “CHỌN MẶT, GỞI VÀNG”

    Xe của bạn thường xuyên bị trục trặc. Bạn gọi một thợ sửa xe đến. Ở đẳng cấp thông thường, người thợ sẽ sửa ngay chỗ hỏng và bàn giao. Ở đẳng cấp cao hơn, người thợ sẽ “khám” thêm những bộ phận liên quan, tìm nguyên nhân, rồi dặn dò bạn cách sử dụng sao cho ít hỏng hóc. Ở đẳng cấp cao hơn nữa, người thợ sẽ hỏi bạn thường sử dụng xe đi đâu, trên những con đường nào, phục vụ mục đích gì..., để từ đó, anh ta cho bạn lời khuyên cần gia cố thêm gì, bão dưỡng, bảo trì thế nào, hay là phải thay hẳn chiếc xe khác cho phù hợp.

    Doanh nghiệp của bạn cũng vậy!

    Khi nó đi xuống hoặc có vấn đề lủng củng, một tư vấn (hoặc một CEO) bình thường sẽ đến khắc phục ngay những điểm yếu. Anh ta sẽ bắt tay bổ sung bộ phận này, cắt giảm bộ phận kia, tìm cách sắp xếp, tinh gọn bộ máy...

    Tư vấn (hoặc một CEO) đẳng cấp cao hơn sẽ xem xét cả hệ thống bao gồm các chính sách, quy định, quy trình, kế hoạch, và các hoạt động marketing, thương hiệu, bán hàng, sản xuất..., rồi mới tiến hành chỉnh sửa, khắc phục các phần lỗi trong hệ thống và trong các hoạt động.

    Tư vấn (hoặc một CEO) lão luyện hơn nữa sẽ xem xét toàn diện CON ĐƯỜNG công ty đang đi trong môi trường kinh doanh – đó là CHIẾN LƯỢC, có thể là chiến lược tập đoàn (corporate strategy) nếu công ty bạn ở quy mô tập đoàn đa ngành, hay chiến lược kinh doanh (business strategy), nếu cty bạn là một cty đơn ngành. Sau đó, anh ta mới khám xét các phần dưới là mô hình, tổ chức, hoạt động, hệ thống, con người...

    Vì sao một TƯ VẤN (hoặc một CEO) lão luyện không bắt tay ngay vào việc cắt giảm, tinh gọn, sắp xếp bộ máy tổ chức, nhân sự, thêm, bớt phòng ban, bộ phận.... mà phải nhìn vào chiến lược trước tiên?

    Rất đơn giản là vì nếu bạn chọn con đường sai thì tất cả những sắp xếp cắt giảm, tinh gọn đều vô nghĩa. Mặt khác, tổ chức, cơ cấu, nhân lực của bạn lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, nên thêm hay bớt chỗ nào, đều phụ thuộc vào chiến lược (con đường đi của bạn). Ví dụ, nếu chiến lược sản xuất của bạn là KHÔNG NHÀ XƯỞNG, tức thuê ngoài (outsource) hoàn toàn như Nike thì bạn đâu cần bộ phận sản xuất để mà tinh gọn?

    Trở lại với câu chuyện sửa xe ở trên. Nếu bạn dùng xe để đi đường rừng và chuyên chở nặng, thì sẽ khác với đi trên xa lộ, cao tốc. Có thể bạn đang dùng chiếc xe sai mục đích, và việc sửa chữa, khắc phục chiếc xe hiện hữu sẽ không giải quyết được căn cơ vấn đề của bạn. Người thợ lão luyện (và có tâm), cần phải xem xét, tìm hiểu con đường đi trước khi đưa ra lời khuyên sửa chữa gì, bổ sung gì, tháo bỏ gì, hoặc thay hẳn chiếc xe khác...

    -----------------

    Nếu muốn thực hiện TÁI CẤU TRÚC doanh nghiệp để thành công, hãy hành xử như một CEO lão luyện (và có tâm) để khỏi đưa DN rơi vào tình trạng “Sai đâu, sửa đó; sai đó, sửa đâu? Và sửa đâu, sai đó!”

    Tái cấu trúc không đơn giản là tái sắp xếp, tái bố trí, cắt giảm, tinh gọn như nhiều người vẫn nghĩ! Trust me!

    Và câu nói của người trong cuộc là "ĐỪNG MƯỢN DANH TÁI CẤU TRÚC ĐỂ LẬP PHE CÁNH CỦNG CỐ QUYỀN LỰC".

    -------------------

    Kỳ 1: Tái lập hay tái cấu trúc?

    Kỳ 2: Vì sao tái cấu trúc thất bại?

    Kỳ 3: Để tái lập, tái cấu trúc thành công.

     

    Nguyễn Huỳnh Hồng | G.PTDNV

    Ngày đăng: 03-04-2019 1,507 lượt xem