• ĐỪNG CHẾT VÌ "SẢN PHẨM TỐT"! HÃY DŨNG CẢM GIẢI ĐỘC CHO MÌNH!

    Phải làm sản phẩm cho thật tốt, đem ra bán, rồi từ từ mới làm thương hiệu sau? Nhiều bạn bị "nhồi sọ" quan điểm này và cứ băn khoăn khi nghe nói điều ngược lại.

    Những thương hiệu toàn cầu đang ngày ngày móc túi chúng ta một cách êm ái, ngọt ngào không phải vì chúng quá đồng cảm hay yêu thương gì chúng ta đâu. Mà vì chúng đã THẤU HIỂU một cách sâu sắc nhu cầu, động cơ, cảm xúc, hành vi, xu hướng và tâm tư sâu xa (insight) của chúng ta, và đã "đánh" trúng vào những thứ ấy!

    Chính đằng sau sự sành điệu, ta đang tự nguyện, và còn hãnh diện, tự hào, để cho các thương hiệu móc túi, vì chúng đã thấu hiểu sâu sắc (như đi guốc trong bụng) và đánh trúng insight của mình.

    Để thấu hiểu khách hàng, ta phải quan sát, khảo sát, trò chuyện, phỏng vấn, thực hiện các câu hỏi, thu thập dữ liệu, thông tin..., và nghiên cứu, phân tích, đối chiếu, kiểm chứng..., chứ không phải ngồi tưởng tượng ra nếu mình là họ thì mình sẽ thế nào. Đặt mình vào vị trí, hoàn cảnh, tâm trạng, cảm xúc (gọi là khung tham chiếu) của khách hàng để hiểu họ là trật lất, vì mình không giống họ, họ không giống mình. Mình chưa thấu hiểu insight của họ thì làm sao biết vị trí, hoàn cảnh, cảm xúc, tâm trạng thật của họ thế nào để mà đặt mình vào đó?

    Qua đó, nhìn lại mới thấy một trong những sai lầm thường gặp khi làm thương hiệu là cố đặt mình vào hoàn cảnh của khách hàng, người tiêu dùng để đồng cảm với họ. Làm thế ta vừa không đồng cảm được, lại vừa không thấu hiểu họ được. Chỉ có cách: quan sát, khảo sát, trò chuyện, phỏng vấn, thực hiện các câu hỏi, thu thập dữ liệu, thông tin..., và nghiên cứu, phân tích, đối chiếu, kiểm chứng....

    P/s: Nhiều doanh nghiệp chết vì chạy theo chữ "better", cố làm sản phẩm tốt hơn người khác, và truyền thông với khách hàng là "sản phẩm của tôi tốt hơn". Sản phẩm tốt (good product), hay tốt hơn (better product), thậm chí tốt nhất (the best product), không là một chiến lược, và không dễ để thuyết phục người tiêu dùng theo cách đó, cho dù thực tế nó đúng là tốt, tốt hơn, hay tốt nhất. Khách hàng không nghĩ vậy.

    Chất lượng sản phẩm ngày nay không còn là yếu tố cạnh tranh bền vững vì đối thủ hoàn toàn có thể copy, bắt chước, san bằng cách biệt về chất lượng, thậm chí vượt lên sản phẩm của bạn bằng chất lượng. Chưa kể khách hàng không dễ tin rằng sản phẩm của bạn thực sự tốt hơn đối thủ.

    Chỉ có thể chiến thắng đối thủ và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững bằng sự khác biệt mà nó có thể tạo giá trị vượt trội cho khách hàng, nhưng đối thủ không thể bắt chước, hoặc rất khó bắt chước. Sự khác biệt đó phải chiếm giữ vị trí hết sức đặc biệt trong tâm trí khách hàng, phải chưa có ai chiếm giữ trước, phải thật sự có ý nghĩa đối với họ.

    Có được sự khác biệt rồi thì việc truyền thông nó trước và truyền thông đúng cách. SP có chất lượng phù hợp đi với giá cả phù hợp, với khách hàng phù hợp - là chiến thắng, chứ ko phải sp cao siêu hay tốt nhất sẽ chiến thắng.

    ---

    ĐỪNG CHẾT VÌ "SẢN PHẨM TỐT"! HÃY DŨNG CẢM GIẢI ĐỘC CHO MÌNH!

    Khi không có thương hiệu được định vị rõ ràng, bạn không thể biết được sản phẩm của bạn nên tốt chỗ nào, tốt bao nhiêu là đủ, và chấp nhận không tốt chỗ nào để đáp ứng đúng nhu cầu, theo đúng tâm tư sâu xa của khách hàng (customer insight). Bạn không thể, và không đủ sức, để sản xuất ra một sản phẩm tốt toàn diện, hoặc một sp tốt chung chung theo quan điểm của bạn (vì quan điểm của khách hàng có thể hoàn toàn khác bạn).

    1. Ví dụ, khi bạn định vị thương hiệu quán cà phê của bạn là cà phê mang đi, phục vụ nhóm khách hàng có thu nhập trung bình, ít thời gian ngồi nhâm nhi cà phê trong quán, bạn không thể làm cho quán sá của bạn "tốt" theo hướng đẳng cấp, sang trọng, không gian rộng rãi, thiết kế và trang bị bàn ghế, vật dụng cao cấp...
     
    2. Một thương hiệu cửa hàng được định vị là "tiện lợi", nó phải hy sinh khía cạnh hoành tráng, có bãi đậu xe lớn, có nhiều quầy kệ, phong phú các mặt hàng, và có lối đi rộng lớn... như một đại siêu thị, và chỉ tập trung vào sự tiện lợi.
     
    3. Một thương hiệu cơm "bao no" cho dân lao động, nó sẽ chỉ tập trung vào khía cạnh gạo nở, nhiều cơm, ăn no, và hy sinh phần nào khía cạnh lịch sự, vệ sinh như một nhà hàng máy lạnh cao cấp...
     
    Chữ "tốt" của sản phẩm nếu không gắn liền với định vị thương hiệu, không PHÙ HỢP với nhu cầu và insight của khách hàng thì nó sẽ làm hỏng tất cả, và doanh nghiệp sẽ mất tiền chạy theo cái "tốt" chung chung đó trong vô vọng.

     

    Nguyễn Hữu Long

    Ngày đăng: 29-03-2021 593 lượt xem