• CHUYỂN DỊCH TỪ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ (E-GOVERNMENT) TỚI CHÍNH PHỦ SỐ (DIGITAL GOVERNMENT)

    Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang trở nên mạnh mẽ hơn trong một vài năm gần đây với sự phổ cập của băng thông rộng và sự chuyển dịch số hóa.

    CHUYỂN DỊCH SỐ

    Năm 2017, sự chuyển dịch số sẽ như “cơn bão số” với quy mô, phạm vi ảnh hưởng lớn tới công nghệ và cuộc sống con người. Theo Gartner, vào năm 2020, sẽ có cả trăm triệu người tiêu dùng đi mua sắm tại các cửa hàng tương tác thực tế, con người sẽ nói chuyện với máy tính (bots) nhiều hơn với bạn đời của mình, hay hơn một phần ba tương tác của con người với các trang web thông qua ngôn ngữ tự nhiên; IoT và phân tích dữ liệu (Analytics) sẽ giúp tiết kiệm chi phí của người tiêu dùng và các doanh nghiệp tới hàng nghìn tỷ Đô la Mỹ; 40% người lao động có thể cắt giảm chi phí chăm sóc y tế thông qua các thiết bị đeo thông minh, giám sát sức khỏe (fitness tracker)…

    CHUYỂN DỊCH TỪ CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ (E-GOVERNMENT) TỚI CHÍNH PHỦ SỐ (DIGITAL GOVERNMENT)

    Theo OECD, chính phủ điện tử (CPĐT) là bước đầu tiên hướng tới một chính phủ số. Chính phủ số sẽ ứng dụng các công nghệ số như một phần không tách rời của chiến lược hiện đại hóa các cơ quan chính phủ để tạo ra các giá trị xã hội. Chính phủ số dựa trên hệ sinh thái số bao gồm các cơ quan, tổ chức của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội công dân và các cá nhân để tạo ra dữ liệu và sử dụng dữ liệu, dịch vụ, nội dung thông qua tương tác với chính phủ. Các công nghệ số liên quan tới CNTT và truyền thông (ICT) bao gồm IoT, các công nghệ di động, công nghệ phân tích dữ liệu được ứng dụng để tạo ra, thu thập, trao đổi, tổng hợp, phân tích, tìm kiếm và trình diễn các nội dung số, các dịch vụ và các phần mềm.

    Một chính phủ số sẽ đem lại giá trị xã hội to lớn, làm hài lòng công dân và doanh nghiệp thông qua sự công bằng, hiệu quả, thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật trong xã hội.

    HƯỚNG TỚI CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ

    Để xây dựng một chính phủ số, OECD đã đưa ra các khuyến cáo, trong đó nhấn mạnh trọng tâm của dữ liệu, sự minh bạch thông tin và thúc đẩy sự tham gia của các nguồn lực xã hội mà vẫn đảm bảo tính bảo mật và riêng tư thông tin:

    • Đảm bảo sự cởi mở, minh bạch và đầy đủ của các quy trình và hoạt động của chính phủ trong chiến lược xây dựng chính phủ số.
    • Khuyến khích sự tham gia của các nguồn lực công, tư và các cộng đồng công dân trong xây dựng chính sách, phát triển và vận hành các dịch vụ xã hội.
    • Xây dựng một môi trường dịch vụ công xoay quanh dữ liệu tin cậy, đảm bảo các dữ liệu được sử dụng, chia sẻ để nâng cao sự minh bạch và cởi mở.
    • Chính phủ cũng cần có chính sách và biện pháp để quản lý, giảm thiểu các vấn đề và rủi ro về bảo mật và riêng tư số bằng việc triển khai các giải pháp bảo mật phù hợp.

     

    Do đó, để có thể khai thác tốt sự chuyển dịch số nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công tại Việt Nam thì cần có sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ của Chính phủ bằng việc tiếp tục đẩy nhanh chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 – 2020, hoàn thành các mục tiêu trong Nghị quyết của Chính phủ về Chính phủ điện tử, bổ sung cập nhật Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam với chuyển dịch số…

    Theo khuyến cáo của OECD, các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDL QG) về dân cư, CSDL QG về doanh nghiệp, CSDL QG về tài chính… cần được xây dựng để các ngành có thể kết nối trao đổi dữ liệu trong hoạt động tác nghiệp và cung cấp dịch vụ công.

    Để xây dựng các hệ thống thông tin quốc gia và các hệ thống dịch vụ công điện tử hiệu quả thì cần đẩy nhanh việc xây dựng các kênh trao đổi, kết nối thông tin giữa các cơ quan chính phủ (G2G). Việc đầu tư hoặc cho phép các doanh nghiệp tham gia hợp tác công tư (PPP) để tham gia xây dựng và cung cấp các dịch vụ công điện tử cho xã hội, tạo nên một hệ sinh thái số mà chính phủ số là trung tâm sẽ giúp nâng cao hiệu quả dịch vụ công cũng như khai thác nguồn lực xã hội. Chính phủ vẫn có thể chủ động kiểm soát và có thêm các kênh thu nhận và trao đổi thông tin giữa Chính phủ với doanh nghiệp (G2B) và với người dân (G2C).

    Trong quá trình xây dựng các dịch vụ điện tử, để nâng cao tính tương tác và thu nhận phản hồi từ xã hội, các yêu cầu lồng ghép về phân tích dữ liệu cần được đưa vào nhằm thu nhận được dữ liệu, góp phần phân tích các phản hồi và từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ đáp ứng trải nghiệm số của công dân cũng như phát hiện ra các rủi ro, cố tình gian lận trong hoạt động của doanh nghiệp và cá nhân.

    LỜI KẾT

    Trong thời đại dịch chuyển số tới nền kinh tế số, các hệ thống điện toán khi được cung cấp đầy đủ dữ liệu thời gian thực sẽ giúp các cơ quan dịch vụ công có thể thấu hiểu hoạt động nội bộ, nhu cầu, hành vi của xã hội và các rủi ro để có các hoạch định, hỗ trợ hoặc quyết định kịp thời. Một trục số có thể gắn mọi thông tin số bao gồm công dân số, doanh nghiệp số, IoT tạo thành mạng lưới theo thời gian thực sẽ mang lại một chính phủ số hoàn hảo trong tương lai.

     

    Emanvn | Đường Tất Toàn

    Ngày đăng: 02-11-2017 1,294 lượt xem