• MỸ: ĐẢNG DÂN CHỦ VÀ ĐẢNG CỘNG HÒA KHÁC NHAU THẾ NÀO?

    Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đang đua tranh quyết liệt trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Quốc hội Mỹ 2018. Đây là hai đảng chính trị lớn của nước Mỹ và mỗi đảng lên cần quyền sẽ đưa siêu cường này đi theo các định hướng khác nhau về cả đối nội và đối ngoại. Vậy họ khác nhau thế nào?

    Tổng thống Obama gặp người kế nhiệm Donald Trump sau cuộc bầu cử (Ảnh: White House)

    Để lý giải rõ về sự khác biệt giữa Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa, chúng ta cần tìm hiểu về cách phân loại hệ thống chính trị, cánh tả, cánh hữu, nguồn gốc của hai đảng và các giá trị cốt lõi mà mỗi đảng theo đuổi.

    Nguồn gốc của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa

    Thực chất, cả hai đều bắt nguồn từ một đảng duy nhất, Đảng Dân chủ-Cộng hòa (Democratic-Republican Party), thành lập năm 1791 bởi James Madison và Thomas Jefferson, nhằm đối lập với Đảng Liên bang (Federalist Party) trong những cuộc bầu cử.

    Đảng Dân chủ-Cộng hòa xem thường và sợ hãi những người thuộc Đảng Liên bang, những quý tộc cực kỳ giàu có, những người muốn tạo ra một ngân hàng liên bang, và đề cao sức mạnh của chính quyền liên bang chứ không phải là chính quyền tiểu bang.

    Đảng Dân chủ-Cộng hòa ủng hộ quyền của các tiểu bang, ưu tiên hỗ trợ tài chính và pháp lý cho nền nông nghiệp dựa trên hộ gia đình. Chống lại giới tinh hoa, vì sợ Mỹ sẽ giống với chế độ quân chủ nước Anh.

    Giai đoạn 1815 – 1832, tổ chức đảng này dần trở nên lỏng lẻo do không còn áp lực cạnh tranh. Các bang bắt đầu đề cử đại cử tri của địa phương mình, những người mang nặng lợi ích cá nhân. Điều này khiến nội bộ đảng bị chia thành nhiều phe phái.

    Dẫn đến việc thành lập Đảng Dân chủ hiện đại (biểu tượng là con lừa), cùng với một đảng chính trị khác là Đảng Whig vào năm 1828.

    Đảng Dân chủ, bao gồm thành phần nông dân, người lao động ở thành thị, và người Công giáo Ireland. Được sự ủng hộ rộng lớn tại New York, Pennsylvania, Virginia, và các bang miền Tây.

    Đảng Dân chủ thông qua Thỏa hiệp 1850 cấm chế độ nô lệ ở các bang miền Tây; tuy nhiên, nó còn bao gồm một dự luật gọi là Luật Nô lệ Bỏ trốn (Fugitive Slave Act of 1850), trong đó quy định rằng những nô lệ bỏ trốn lên các bang miền Bắc sẽ được trả lại cho “chủ” của họ ở miền Nam. Sau Thỏa hiệp năm 1850, Đảng Dân chủ dần trở nên nổi tiếng.

    Trong khi Đảng Whig bắt đầu mất đi sự thống nhất và ngày càng bị chia rẽ về vấn đề nô lệ và chống nhập cư. Năm 1852, Đảng Whig giải tán khiến họ trở nên rất yếu so với Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử cùng năm.

    Các Đảng viên Dân chủ chống chế độ nô lệ lần lượt rời bỏ đảng này và gia nhập nhóm thành viên còn lại của Đảng Whig ở miền Bắc để thành lập Đảng Cộng hòa vào năm 1854. Đảng nắm quyền lần đầu vào năm 1860 khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và chiến thắng trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Ở Mỹ người ta còn gọi đảng Cộng hòa tên thân mật là GOP (Grand Old Party). Biểu tượng của đảng Cộng hòa là con voi.

    Tôn giáo của Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa

    Đảng Cộng hòa miền Bắc chủ yếu là những người theo Giáo hội Trưởng nhiệm (Presbyterian), Phong trào Giám lý (Methodist), và Công lý hội (Congregation).

    Đảng viên Dân chủ hầu hết là người Công giáo, Anh giáo, và người gốc Đức theo Giáo hội Luther.

    Do chia rẽ sâu sắc như vậy nên các vấn đề như những luật cấm rất khó giải quyết. Tương tự như bầu không khí chính trị ngày nay, khi ấy Đảng Cộng hòa cho rằng chính phủ nên can thiệp vào các vấn đề đạo đức (như uống rượu chẳng hạn) để bảo vệ công dân khỏi tội lỗi, trong khi Đảng Dân chủ cho rằng chính phủ không được phép đưa ra các đạo luật can thiệp vào tôn giáo hay đạo đức.

    Những đặc điểm khác (như quan điểm kinh tế và lập trường về quyền lực của chính phủ) đã thay đổi đáng kể. Trong một số trường hợp, hai bên còn đảo ngược hoàn toàn chính sách.

    Ý nghĩa cái tên Dân chủ và Cộng hòa

    Dân chủDemocracy – có nguồn gốc từ 2 chữ tiếng Hy Lạp: Demos–người dân, và Kratin–cai trị, Dân chủ có nghĩa là người dân làm chủ hay số đông cai trị. Điều này nghe thì rất hay, nhưng nếu số đông muốn cướp cơ sở kinh doanh, quyền lợi của một nhóm thiểu số thì sao? Quyền lực này rõ là cần phải có giới hạn. Thiếu sót của nền Dân chủ nằm ở chỗ số đông không bị kiềm chế. Trong nền Dân chủ, nếu có người thuyết phục được hơn một nửa số người dân muốn một điều gì đó, bất kể điều đó sai trái như thế nào, thì nó sẽ trở thành sự thực.

    Cộng hòaRepublic – đến từ 2 từ tiếng La-tinh: Res–điều thứ và Pulica – của chung, công cộng. Hai từ gộp lại có nghĩa là điều (thứ) của chung, trong nền Cộng hòa, điều của chung này chính là luật pháp. Một nền Cộng hòa thực sự là hình thức chính trị trong đó chính phủ bị giới hạn bởi luật và không can thiệp vào sự vụ của người dân.

    Khác biệt giữa cánh tả và cánh hữu

    Hai thuật ngữ này bắt nguồn từ khi cách mạng Pháp nổ ra, quốc hội Pháp lúc đó chia làm 2 phe. Mỗi phe chiếm giữ 1 cánh của quốc hội.

    Cánh phải của hội trường quốc hội (tiếng Hán Việt phải là hữu)

    Cánh trái của hội trường quốc hội (tiếng Hán Việt là tả)

    Dải phổ chính trị thường được phân loại dựa theo tiêu chí chính phủ sử dụng quyền lực ra sao. 

    Ở bên phải (cánh hữu), chính phủ nắm càng ít quyền lực đến mức không còn chính phủ (chủ nghĩa vô chính phủ), càng về phía trái (cánh tả) chính phủ càng nắm nhiều quyền, đến mức độc tài.

    Cũng vì nguồn gốc lịch sử này mà phe cánh tả (leftwing) đôi khi được gọi là chủ nghĩa cấp tiến (Progressivism) và phe cánh hữu (rightwing) đôi khi được gọi là chủ nghĩa bảo thủ (Conservatism).

    Thời nay, người ta không còn căn cứ vào vị trí trong quốc hội để xác định quan điểm cánh tả hay cánh hữu. Họ sẽ căn cứ vào những chính sách được đề xuất của nghị viên để xác định xem người đó thuộc cánh nào. Cách xác định đơn giản như sau:

    • Cánh tả: tượng trưng cho sự đổi mới, phá bỏ hệ thống cũ để tạo nên cơ chế xã hội công bằng cho mọi người trong xã hội. Đại diện cho xu thế chính trị này là những người theo chủ nghĩa Marx, Cộng Sản hay các đảng phái ủng hộ người lao động, quyền lợi phụ nữ, quyền trẻ em và thậm chí cả quyền của người LGBT.

    • Cánh hữu: tượng trưng cho việc duy trì trật tự. Nhóm này thường có xu hướng bảo vệ giới chủ và người bản xứ. Đại diện cho xu hướng này thường không có tên gọi cụ thể, nhưng ở Anh có Đảng Bảo Thủ đại diện cho xu thế này.

     

    Thượng viện và Hạ viện trong Quốc Hội Mỹ

    Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu đảng Cộng hòa vẫn nắm Thượng viện còn đảng Dân chủ nắm Hạ viện? Chỉ 1 từ có thể miêu tả: bế tắc. Nguy cơ chính phủ đóng cửa có thể sẽ gia tăng đáng kể với các thành phần đối lập nhau trong chính phủ không thể thống nhất quan điểm.

    Hiện theo sơ đồ, cả Hạ viện và Thượng viện đều do đảng Cộng hòa của Tổng thống Donald Trump nắm quyền kiểm soát.

    Ngày 6/11/2018, các cử tri Mỹ bầu lại toàn bộ các nghị sỹ của Hạ viện (tất cả 435 ghế) và 1/3 số nghị sỹ (35/100 ghế) ở Thượng viện.

    Nếu đảng Dân chủ muốn giành quyền kiểm soát Hạ viện lần này, họ cần phải giành được ít nhất 218 ghế.

    Emanvn T/H

    Ngày đăng: 06-12-2018 6,676 lượt xem