• Lý do gì khiến anh em còn gắn bó với Chrome?

    Mình đã không còn dùng Chrome trong một thời gian dài, chuyển sang dùng Firefox cũng như Brave, Edge Chromium. Có nhiều lý do khiến mình từ bỏ Chrome, ăn nhiều tài nguyên chỉ là một phần, điều mình cảm thấy sợ Chrome là nó dường như biết hết những thứ mình quan tâm, từ gợi ý quảng cáo cho đến những thứ nhạy cảm hơn.

     

    Fowler đã dành thời gian xem xét dữ liệu cá nhân của mình và thực hiện các thí nghiệm để tìm hiểu xem Chrome có thực sự tuân theo các chính sách bảo mật riêng tưSau cùng anh kết luận những gì phát hiện được khiến Fowler quyết định bỏ Chrome chuyển sang Firefox - một trình duyệt được thiết kế với rất nhiều tính năng bảo mật dữ liệu riêng tư, việc chuyển đổi không mấy khó khăn.

    Một tuần lướt web trên máy tính, Fowler phát hiện ra rằng có đến 11189 yêu cầu chấp nhận cookie - một công cụ được các trang web sử dụng để theo dõi người dùng được Chrome tự động chấp nhận trong khi đó Firefox tự động chặn hết.

    Cookie còn gọi là Internet cookie, web cookie, browser cookie là những mẫu dữ liệu nhỏ được một trang web gởi đến và lưu trữ trên trình duyệt máy tính. Từ đây họ có thể theo dõi được những trang web mà bạn đã xem, từ đó xây dựng một hồ sơ (profile) về sở thích, thu nhập hay những thông tin cá nhân khác.

    Ví dụ những món bạn đã chọn bỏ vào giỏ thanh toán khi shopping trực tuyến, hay dùng ghi lại hoạt động của người dùng trên trang web, bao gồm bấm vào những nút nào, thông tin đăng nhập ra sao, hay đã vào những trang web nào. Ngoài ra cookie còn có thể nhớ những thông tin mà người dùng đã nhập vào các biểu mẫu như tên, địa chỉ, mật khẩu và cả mã số thẻ tín dụng. Nó theo dõi hầu như mọi hoạt động trên thế giới Internet của bạn và sử dụng dữ liệu này để quảng cáo định hướng.

    Cookie có thể biết được bạn đang tìm chiếc quần như thế nào từ đó gợi ý quảng cáo. Thế nhưng việc nó biết được bạn thích mặc quần lót màu gì thì hiển nhiên đây là điều quá sức riêng tư. Thế nên nguồn dữ liệu chi tiết và riêng tư của mọi người đang bị lạm dụng và kể cả hacker cũng đang khai thác nó.

    Trước đó các giám đốc sản phẩm của Google nói với Fowler rằng Chrome ưu tiên về các tùy chọn bảo mật riêng tư và giải pháp kiểm soát, họ cũng nói đang phát triển các công cụ mới để quản lý cookie nhưng nhấn mạnh là những công cụ này phải đạt được sự cân bằng với "một hệ sinh thái web lành mạnh". Nói thẳng ra là phải đảm bảo không ảnh hưởng đến mảng kinh doanh quảng cáo của Google.

    Fowler nói Chrome mở đường cho tracker, cookie chạy về phía các công ty kinh doanh dữ liệu, bigdata. Không cần biết là trang web nào, từ trang của một công ty cho đến những trang của chính phủ. Việc đăng nhập tài khoản tự động vào Chrome đã được Google triển khai, chỉ cần bạn mở Gmail.

    Trên điện thoại, Chrome còn nghe ngóng nhiều hơn, nhất là khi bạn sử dụng Android. Chrome sẽ gởi thông tin về vị trí của bạn cho Google mỗi khi bạn tìm kiếm thứ gì đó. Nếu bạn tắt tính năng chia sẻ vị trí thì nó vẫn gởi dữ liệu ước lượng dù không chính xác. Mục tiêu cuối cùng vẫn là để hiển thị quảng cáo định hướng.

    Fowler nói "Tôi cảm thấy lúng túng khi Google "lặng lẽ" đăng nhập tài khoản người dùng Gmail vào Chrome. Google nói việc này không khiến lịch sử duyệt web của người dùng được "đồng bộ" trừ khi họ cho phép, nhưng bản thân tôi đã phát hiện ra chúng được gởi đến Google và Chrome không hề cảnh báo."

    Bạn có thể tắt tính năng tự động đăng nhập Gmail trên Chrome bằng cách vào phần thiết lập, tìm Gmail và tắt nút Allow Chrome sign-in.

    Giải pháp nào thay thế ?

    Firefox là giải pháp thay thế tốt dù không hoàn hảo. Nó vẫn dùng trình tìm kiếm mặc định là Google và cho phép một số hình thức tracker, cookie hoạt động nhưng khác biệt cơ bản giữa Firefox và Chrome đó là hãng Mozilla không thu thập dữ liệu để kinh doanh như hãng Google.

    Mozilla đã không ngừng chỉ trích Google và họ đã liên tục cải tiến Firefox với các tính năng chống tracker, cookie, cài đặt cũng như tự phát triển ra những add-on để ngăn các mạng xã hội dòm ngó người dùng. Tuy nhiên, để giành chiến thắng trong cuộc chiến này thì Firefox cần phải cảnh tỉnh người dùng.

    Mặc dù không thể phủ nhận rằng cookie có thể hữu ích. Cookie ở khắp nơi, một nghiên cứu cho thấy cookie được các bên thứ 3 nhúng trên 92% các trang web, trong khi trang The Washington Post cho biết có trung bình khoảng 40 tracker cookie trên một trang tin tức, và chúng được dùng để quảng cáo chạy theo đối tượng, cũng như theo dõi hiệu quả quảng cáo. Thậm chí trên những trang không có quảng cáo thì cookie vẫn hiện diện.

    Chúng ta có thể đổ lỗi cho ngành công nghiệp quảng cáo, xuất bản và công nghệ đã tạo ra mớ hỗn độn cookie. Tuy nhiên một trình duyệt có trách nhiệm gì trong việc bảo vệ chúng ta trước cookie?

    Năm 2015, Mozilla đã phát hành một phiên bản Firefox tích hợp công nghệ chống tracker, chỉ bật ở chế độ duyệt riêng tư (private mode). Sau nhiều năm thử nghiệm và tinh chỉnh, tính năng này được kích hoạt mặt định trên Firefox và áp dụng trên tất cả các trang web. Tính năng này không chặn quảng cáo nhưng Firefox phân tích các cookie từ đó xác định loại nào được phép giữ chức năng trên trang web và loại nào bị chặn nhằm tránh nguy cơ gián điệp.

    Trình duyệt Safari của Apple trên iPhone cũng đã được ứng dụng công nghệ bảo vệ chống theo dõi từ cookie thông minh từ năm 2017 bằng cách sử dụng một thuật toán để phân loại.

    Chrome cho đến nay vẫn là trình duyệt mở cửa đón nhận tất cả các loại cookie. Google đã công bố nỗ lực nhằm buộc các cookie phía thứ 3 phải "hiện nguyên hình" tức khai báo nhận dạng và cho biết người dùng sẽ có thể kiểm soát chúng tốt hơn sau khi phát hành. Thời điểm phát hành thì chưa biết, những thay đổi trên Chrome sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến mỏ vàng của Google trên thế giới web

    Tóm lại

    Việc lựa chọn một trình duyệt không chỉ đơn thuần theo các tiêu chí nhanh và tiện dụng nữa mà giờ đây chúng ta cần thêm yếu tố bảo mật dữ liệu.

    Trên Chrome dù có nhiều nút để tắt bật các tính năng theo dõi, ngăn quảng cáo định hướng nhưng việc tiếp cận các tùy chọn này không thuận tiên, nó thường nằm sâu trong các thiết lập và đa phần người dùng đều không để ý, cứ để mặc định và Google cứ thế lấy dữ liệu của chúng ta.

    Việc chuyển sang trình duyệt khác cũng có nghĩa bạn sẽ phải chuyền luôn bookmark và hiện tại trình duyệt nào cũng hỗ trợ chuyển bookmark chéo. Trong tình huống xấu nhất thì bạn chỉ cần xuất (export) bookmark ra file HTML và nhập (import) lại trên trình duyệt mới.

    Ngoài ra bạn cũng có thể chuyển tài khoản và mật khẩu đã lưu trên trình duyệt Chrome sang các trình duyệt khác theo cách tương tự.

    Còn nếu quan tâm đến extension thì kho add-on của Firefox cũng phong phú không kém và anh em có thể dễ dàng tìm được các add-on quen thuộc cũng như giải pháp thay thế. 

    Hiển nhiên Mozilla vẫn còn nhiều thử thách cần vượt qua nhưng trong số các nhà ủng hộ quyền riêng tư thì Firefox lại là một tổ chức phi lợi nhuận. Trong khi Apple đã tung tính năng chặn cookie bật mặc định trên Safari từ sớm thì phải đến gần 1 năm sau, Firefox mới làm điều tương tự.

    Luận bàn

    Là một tổ chức phi lợi nhuận thì cách gần như duy nhất để Firefox kiếm lợi nhuận là khi người dùng dùng Firefox tìm kiếm trên Google và nhấp vào quảng cáo. Có thể nói nguồn thu chính của Mozilla hiện tại là từ Google và bản thân trình duyệt này cũng đang đặt Google làm công cụ tìm kiếm mặc định. Dù vậy Mozilla đang tìm kiếm các nguồn thu khác, điển hình là việc phát hành một dịch vụ thuê bao để duyệt web không quảng cáo trong đó với chi phí khoảng 5 USD, người dùng sẽ có thể xem các trang web mà không bị quảng cáo quấy nhiễu và số tiền này sẽ được trích chia cho các nhà phát hành nội dung hay chủ sở hữu trang web.

    Rủi ro lớn nhất mà Mozilla có thể phải đổi mặt là một ngày nào đó hết tiền, hết hơi không còn sức chống lại Chrome nữa. Dù đang là trình duyệt số 2 trên thị trường trình duyệt máy tính nhưng nếu đuối sức thì 10% thị phần mà cáo lửa đang có sẽ mất dần về tay các trình duyệt khác, các trang web cũng sẽ ngưng hỗ trợ và Firefox lúc đó không khác tình cảnh của Microsoft Edge hiện tại là mấy.

    Tình hình còn khó khăn hơn với Mozilla khi công ty dùng web engine của riêng mình thay vì Chromium do Google hỗ trợ. Do đó, chi phí duy trì và phát triển công nghệ mới càng lớn hơn, trong bối cảnh thị phần lại ngày càng thu hẹp.

    Từ đây, chiến lược "rượu cũ mà bình chưa chắc mới" dường như đã đánh dấu cho sự suy tàn của Mozilla nói chung và trình duyệt Firefox nói riêng.

     

    Theo: The Mercury

     

    Ngày đăng: 28-08-2020 597 lượt xem