• NGƯỜI VIỆT CÓ HUNG DỮ KHÔNG?

    Sự tử tế chính là cái gốc cho sự phát triển bền vững của một xã hội. Nếu chúng ta không sớm hành động để đánh thức và khích lệ sự tử tế trong mỗi con người, nền tảng đạo đức xã hội sẽ tiếp tục lung lay, người Việt ngày nay lại đang tự đánh mất đi sức mạnh của mình bằng những thứ văn hóa mới mẻ nhưng đầy tính hủy diệt.

    Một dịp gần đây, trong buổi giao lưu giữa những người nước ngoài hiện sống và làm việc tại thành phố Jakarta (Indonesia), tôi gặp một người phụ nữ Mỹ gốc châu Phi. Trò chuyện vui vẻ với nhau một lúc, chị hỏi tôi từ đâu đến. 

    Khi tôi trả lời một cách đầy kiêu hãnh rằng mình là người Việt Nam, chị im lặng, cúi đầu, rồi ngẩng lên nhìn thẳng vào mắt tôi, chậm rãi nói: "Xin lỗi bạn, nhưng tôi phải nói thật lòng với bạn rằng: người Việt của bạn là những người hung dữ".

    Câu nói của người phụ nữ làm tôi choáng váng. "Tại sao chị lại nghĩ vậy?" - tôi vội hỏi và chị giải thích rằng vừa qua Việt Nam du lịch. 

    Cướp giật

    Đến TP.HCM, khi đang say sưa với cảnh vật và con người, chị đứng bên đường chụp ảnh khu nhà thờ Đức Bà bằng chiếc điện thoại vừa mới mua thì bị kẻ cướp lao đến giật phắt điện thoại, rồi vút đi bằng xe máy. Vụ cướp giật không chỉ để lại cho chị những vết sẹo trên cơ thể (do bị kéo té ngã) mà còn cú sang chấn về tinh thần: hiện nay, mỗi khi nhìn thấy hoặc nghe tiếng xe máy chị lại hoảng hốt.

    Khi tôi xin lỗi chị và nói rằng chính quyền TP.HCM đang làm các bước để cải thiện sự an toàn cho khách du lịch, người phụ nữ ấy lắc đầu và nói cái cần sửa nhất là bản tính tham lam, bon chen và hung hăng của người Việt. Chị cho biết trong khoảng ba tuần ở Việt Nam, chị đã quan sát thấy cái bản tính ấy trong nhiều hoàn cảnh: người ta không chịu xếp hàng mà sẵn sàng đi tắt chen lấn, xô đẩy;

    Người ta bóp kèn inh ỏi trên phố để cố nhanh hơn vài giây, vài phút.

     

    Hung hăng

    Khi va quẹt vào nhau trên phố, thay vì nhã nhặn giải quyết vụ việc, người ta sửng cồ, sẵn sàng lao vào nhau. Với họ, đơn giản chỉ là:

    "Ðấy cậy đấy khôn, đây chẳng nhịn

    Ðây rằng đây phải, đấy không thua" 

    Tham lam, bắt chẹt

    Người ta sẵn sàng bắt chẹt khách du lịch chỉ vì lợi nhuận trước mắt: khi trả giá để mua hàng, chị đã bị người bán nói những lời rất khó nghe, thậm chí còn xúc phạm đến nguồn gốc châu Phi của chị.

    Người phụ nữ thở dài nói rằng chị đã ở Indonesia 5 năm nhưng chưa bao giờ sa vào hoàn cảnh tương tự và so với những gì chị đã trực tiếp trải nghiệm, người Indonesia vô cùng hiền lành, tốt bụng, vui vẻ và tử tế.

    Người Việt có hung dữ không? Câu hỏi ấy đeo đẳng tôi suốt nhiều tháng trời để rồi khi về Việt Nam lần gần đây nhất, tôi đã có câu trả lời.

    Mắng chửi con cái

    Tại con hẻm nhỏ ở quận Gò Vấp, tôi chạy xe kế bên người mẹ vừa đón con đi học về. Giây phút hội ngộ của hai mẹ con sau một ngày làm việc và học tập vất vả đáng lẽ là những giây phút hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười, nhưng không phải. Người mẹ vừa chạy xe vừa ra rả rủa xả con mình trong khi cô con gái nhỏ co rúm vì sợ hãi.

    Mạt sát con trẻ là hành động vô đạo đức.

    Người mẹ chửi con vì điểm kiểm tra toán hôm đó không như bà mong đợi. Nhìn nét mặt đau khổ của cô con gái, tôi tự hỏi người phụ nữ đang dạy con những gì? Hay bà đang cố gắng gieo mầm mống của sự hung dữ vào tâm hồn trẻ nhỏ?

    Trong những năm gần đây, tôi sống và làm việc ở hai thành phố lớn với môi trường khá tương tự TP.HCM. Đó là Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia). Đây là hai thành phố có tình trạng người thất nghiệp khá cao, an sinh xã hội thấp, nhiều người nghèo và đặc biệt với tình trạng ùn tắc giao thông dễ khiến người ta nổi nóng. 

    Nhưng thật lạ, trong bốn năm sống ở Manila và một năm rưỡi sống ở Jakarta, tôi thấy trên đường phố, dù kẹt xe đến mấy, ít ai bóp còi.

    Văn hóa xếp hàng ở hai thành phố này cũng vượt trội hơn hẳn các thành phố của Việt Nam và đặc biệt là tại các cơ sở kinh doanh, tôi chưa từng gặp tình trạng bị chèo kéo, hăm dọa và bắt nạt như tôi từng gặp mỗi khi về nước.

    "Người Việt là những người hung dữ", câu nói đó không hẳn là đúng, nhưng tôi thấy sự hung dữ ngày càng lộng hành và bột phát không chỉ ngoài đường phố mà còn - Trong các gia đình (bạo hành phụ nữ, trẻ em, người thân trong gia đình giết nhau vì mâu thuẫn hay tranh chấp tài sản); Trong trường học (bạo hành học sinh); - Trên mạng xã hội (người ta có thể thoải mái mạt sát, thóa mạ lẫn nhau); - Đặc biệt là các vụ giết người (vì một mâu thuẫn nhỏ, vì một chút lợi ích) ngày càng gia tăng.

    Có một thứ văn hóa đang kìm hãm sức mạnh và hủy hoại người Việt ?

    Có lẽ chưa bao giờ người Việt mất niềm tin vào nhau nhiều như thời nay. Sống trong một quốc gia mà chúng ta phải đề phòng, nghi ngờ:

    + Từng viên thuốc chữa bệnh. Từng nhánh rau, con cá, hột gạo, vải vóc ... mua ngoài chợ. Cho đến tấm bằng tốt nghiệp của cả một thế hệ trẻ vốn là sức mạnh của tương lai VN. Cũng bị làm giả, nhào nặn, nâng điểm. Bất chấp thương hiệu.

    Một nhà báo mỹ là Lady Borton kể rằng lúc đầu đến Việt Nam, bà có phần choáng ngợp trước một xã hội lành mạnh, mọi người rất ham đọc sách, rõ ra một xã hội có giáo dục. Mọi sinh viên còn rất trẻ, người nào cũng lanh lợi. Thế mà lúc làm bài thi, chỉ thấy họ trổ ra mọi mánh lới man trá. Trong một giờ bà đã nhìn thấy những mánh lới nhiều hơn cả quãng đời trước đó của bà cộng lại, Lady Borton xem đây như một điều khủng khiếp.

    + Nói dối: Một khảo sát xã hội vào năm 2008 của GS.TSKH Trần Ngọc Thêm – Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐH Quốc gia Tp.HCM) đã chỉ ra, tỷ lệ nói dối ở học sinh cấp 1 là 22%, cấp 2 là 50%, cấp 3 là 64% và đến cấp đại học là 80%. Đó là những con số rất đáng báo động và đau lòng. 

    + Giáo viên cũng không đặt cái nghề của mình ở vị trí thiêng liêng cao cả là dạy cách học, cách tư duy, cách làm người, ta biết mỗi con người đều có thế mạnh khác nhau - cần cá nhân hóa trong việc dạy để họ dễ tiếp thu và hứng thú với việc học. Còn hiện nay, giáo viên chỉ là nghề để kiếm miếng cơm manh áo. Còn nhiều hạn chế trong sưu tầm nghiên cứu, nâng cao tư duy giảng dạy, và cập nhật tư duy mới.

    Đáng nhẽ đó phải là nơi ươm trồng nên những con người tốt trước khi trở thành người tài giỏi, nhưng các em sống trong môi trường chạy đua thành tích, phải đạt điểm tốt, phải danh hiệu, phải kết quả tốt bất chấp phương cách ... để dòng họ rạng danh, để cha mẹ vui lòng, sau này kiếm nhiều tiền - chứ không phải học để thành người, học vì đam mê của bản thân.

    + Doanh nghiệp trong và ngoài nhà nước, tổ chức tuyển người hay cất nhắc đề bạc cũng không nhìn gì khác ngoài bằng cấp, thành tích "hẹp" .... mà bỏ qua sự đánh giá: thái độ, đạo đức, khả năng chuyên môn, năng lực quản lý, lãnh đạo cần có cho vị trí ... có phù hợp hay không. Để vài ba bữa lại nhận sai "rút kinh nghiệm", hoặc đội ngũ mâu thuẫn vì không phù hợp, ... (trong DN thường gặp nhất là xét hiệu quả luôn đạt doanh số, chiếm tỷ trọng ds cao trong nhóm - rồi lên làm trưởng nhóm... mà bỏ qua sự đánh giá phương cách đạt, cách phối hợp đồng đội, ... có khi đạt bằng mọi giá, bất chấp, ...).

    + Xã hội chạy theo hình thức, đút lót, tham ô, tham nhũng, một người làm quan cả dòng họ được nhờ .... trong khi ai cũng nhận ra sự phi lý mà chẳng thể thay đổi, bởi chúng ta đều chỉ cần được việc của mình là ổn rồi.

    Quan chức thì chạy chức chạy quyền rồi sau đó phải tận lực vơ vét để “bù lỗ”, phải cho con em cả dòng họ vào ngồi đầy công sở nào “ngon ăn”, vì làm quan không phải để lo cho dân mà là để kiếm thật nhiều tiền, để làm rạng danh dòng họ.

    + Đến nông dân nuôi trồng cũng phân ra hai loại, một bên phun thuốc để đem bán cho đồng bào mình, một bên organic cho sạch sẽ để gia đình mình ăn. Thực phẩm sạch lên ngôi với giá đắt gấp 2, gấp 3 thực phẩm “bình thường”, mà đáng lẽ đồ sạch phải là điều đương nhiên người tiêu dùng được hưởng chứ không phải đặc cách dành cho người giàu.

    + Tình trạng xả thải ô nhiễm, nước bẩn chưa qua xử lý ra môi trường ở các địa phương - đặc biệt từ các cụm khu CN.

    + VN nằm top những nước thải rác nhựa và túi nilong ra đại dương. Rất cần những hành vi đơn giản là không xả rác ngoài đường, bỏ rác đúng nơi quy định, phân loại rác tại nguồn, không sử dụng các vật dụng ảnh hưởng môi trường như túi, ống hút nhựa, ...

    + Năm 2014, Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi năm ở Việt Nam có thêm 200.000 người mắc ung thư và 70.000 chết vì căn bệnh này. Với tỷ lệ đó, Việt Nam trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về tỷ lệ mắc và chết vì ung thư. Nguyên nhân chính đến từ thực phẩm và nguồn nước nhiễm bẩn. Nhưng dường như những thông tin như thế này không còn làm người Việt thấy choáng váng nữa, họ chỉ đơn giản là tự tìm cách bảo vệ mình hoặc tặc lưỡi cho qua và sống chung với lũ.

    + Theo VTV.vn - Trong dịp Tết 2019, cả nước có đến hơn 5.000 ca nhập viện do đánh nhau, trong đó 15 ca tử vong. Số lượng người nhập viện do đánh nhau chỉ đứng sau tai nạn giao thông.  Đây là "vấn đề nhức nhối mà đa số người Việt chưa thực lòng muốn thừa nhận và thay đổi": hung hăng, ích kỷ, tham lam, và hay bao biện cho thái độ xấu của mình - thay vì lùi lại một bước để nghĩ, suy xét cái đúng sai, chịu hạ cái tôi, để sửa mình.

    + Những vụ người nhà bệnh nhân hành hung bác sĩ xảy ra liên tục, mặc dù có nhiều tiếng kêu cứu từ ngành y, nhưng không thấy có biện pháp bảo vệ thầy thuốc hiệu quả - thấy đau ở chỗ, vấn đề không phải là có công an bảo vệ bác sĩ, mà tại sao trong xã hội mình lại có những con người tấn công bác sĩ như kẻ thù vậy. Về chuyên môn, theo các bs thì nhân viên y tế chỉ có thể dự phòng để hạn chế những biến chứng nguy cơ chứ không thể kiểm soát hoàn toàn những tai biến này. (Tìm hiểu ... )

    Thì liệu chúng ta có thể rộng lòng mà tin yêu những người xung quanh mình, thực lòng tin tưởng vào cộng đồng mà mình gọi là dân tộc?

    Sự giả dối có mặt ở mọi nơi. 

    Từ giáo dục, cái nôi làm nên nhân cách con người, chúng ta đã được dạy về sự giả dối, nên đương nhiên sự giả dối sẽ là một phần của văn hóa chủ đạo của người Việt mới.

    + Cái ác không chỉ thể hiện ở việc bất chấp mọi cách để làm giàu, chà đạp lên lợi ích của người khác với tầm nhìn ngắn ngủn vì chỉ thấy cái lợi của bản thân.

    + Cái ác của người Việt ngày nay còn thể hiện ở mọi ngôn từ, lời nói, dù ở trên mạng xã hội nơi người ta không phân biệt nổi ảo và thật cho đến ngoài đời thường.

    + Truyền thông đầy rẫy những từ ngữ như “bóc phốt”, “tố”, “ném đá”, “chơi khăm”, “không đội trời chung”, “thảm họa”… Ngôn từ của một thế hệ mới thì toàn “chém gió”, “chết đi!”, “ngu như…”, “mù à?”, “điên à?”, “thích chết à?”…

    + Trên mạng xã hội thì đủ mọi cấp bậc của ngôn từ mang tính sát thương như thế, người ta cũng sẵn sàng chửi bới nhau, mạt sát, thóa mạ, phán xét bằng lời cay nghiệt từ những chuyện nhỏ bé như anh chàng nào đó khoe khoang về độ sành điệu cho đến cướp chồng / vợ …

    Và tất nhiên với những vấn đề “nóng” trong xã hội, thì họ bàn luận bằng đủ loại góc nhìn, nhưng chẳng mấy khi có tính chất đóng góp, khách quan và rộng lượng.

    Sự "Chân Thật" không có chỗ khi văn hóa "Giả Dối" lên ngôi. 

    Từ sự giả dối, ác mồm ác miệng, ác cả trong hành động vụ lợi chăm chút cho bản thân mặc kệ người khác, tất yếu sẽ đi kèm với một thứ văn hóa đầy tính thù địch khác.

    Trên các phương tiện truyền thông và ở mọi ngõ ngách của cuộc sống thời bình, người ta vẫn dùng những từ như “chiến sĩ”, “mặt trận”, “xung phong”, “xung kích”, “đấu tranh”, “chiến đấu”… “Thi” thì phải đi kèm với “đua”, “phòng” thì phải đi đối với “chống”. - Vậy nên đã ăn sâu vào suy nghĩ và thói quen "đua" từ mọi mặt cuộc sống xã hội, và “chống” cả thiên tai lũ lụt từ bao lâu nay. Thay vì giải pháp để làm đúng, làm tốt ngay từ đầu - thì mọi thứ đã khác. Cái xấu tự nó sẽ mất đi.

    Hiện vẫn chưa rõ những thứ chúng ta hô chống lại đó có suy yếu được không, nhưng rõ ràng là tự chúng ta lại hình thành một tâm lý “kháng chiến”, phân định lằn ranh “địch – ta” với ngay chính những người xung quanh mình.

    Với thứ văn hóa tranh đấu đó, chúng ta cảnh giác, hoài nghi và phán xét mọi sự khác biệt. Không có môi trường cho tinh thần khoan dung và sáng tạo phát triển. Người với người chỉ toàn hằm hè, thiếu tin tưởng và đố kỵ.

    Người ta lo sợ khi chân thành tin tưởng vào điều mà lại bị lừa gạt, thì bản thân sẽ tổn thương sâu sắc. Càng chân thành càng bị tổn thương mãnh liệt, họ càng biểu hiện ra tâm lý cảnh giác cao độ, thậm chí đi đến cực đoan, không tin tưởng bất kỳ ai.

    Người Việt thời nay hay phán xét thành công của người khác để giảm bớt cảm giác thua kém. Họ sẵn sàng chửi bới, hoặc nhẹ nhàng hơn thì cáu gắt khi chẳng may có ai đó chặn đường xe của mình. Họ chà đạp lên quyền lợi của người khác, chen lấn, cướp giật để tiến nhanh hơn hay đơn giản chỉ là để có được đồ ăn hạ giá.

    Không cần phải dẫn chứng đầy đủ để chứng minh sự tồn tại của thứ văn hóa Giả – Ác – Đấu nói trên, bởi chỉ cần nhìn quanh môi trường chúng ta đang sống, những người chúng ta quen biết, bạn sẽ chắc chắn gặp một vài trường hợp của thứ văn hóa này đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày.

    Cần dẹp bỏ thứ văn hóa mang tính hủy diệt Giả – Ác – Đấu

    Văn hóa giàu bản sắc, thuần thiện, tốt đẹp thì sẽ là sức mạnh của cả một dân tộc. Nhưng nếu là thứ văn hóa xấu xí, nó sẽ luôn là vật cản, ngăn trở con người hoàn thiện bản thân, phát triển xã hội bền vững, thịnh vượng.

    Bạn trách cứ người khác, lên án thực trạng xã hội, bạn lo lắng cho tương lai của con cái mình, thế nhưng mọi người ai cũng có góp chút sóng mà thành bão. Thông thường, mỗi khi có những trường hợp băng hoại đạo đức, người ta quy trách nhiệm cho giáo dục. Nhưng như vậy là không công bằng, bởi vì nhà trường chỉ đóng một vai trò nhất định trong sự phát triển nhân cách và hình thành đạo đức trong mỗi cá nhân.

    Gia đình mới là môi trường giáo dục quan trọng, cha mẹ phải chịu trách nhiệm trước tiên về sự trưởng thành, về đạo đức, nhân cách của con cái, không thể là ai khác. Ngoài cơm áo gạo tiền hằng ngày, các bậc cha mẹ cần phải học hỏi, cập nhật kiến thức giáo dục con trẻ, để có phương cách khoa học phù hợp. (tìm hiểu ...)

    Còn cộng đồng xã hội cũng đóng một vai trò rất lớn trong việc xây dựng nhân cách của công dân, học hỏi nhân rộng nghĩ cử đẹp. Rất cần vai trò của nhà nước trong việc tuyên truyền có định hướng qua các phương tiện truyền thông, xây dựng văn hóa bản sắc Việt trên toàn quốc.

    Mới đây, có những tranh luận về việc dẹp bỏ những lễ hội bạo lực như đâm trâu, chém lợn, chọi trâu, tui thấy đây là việc lớn, cần phải bàn rốt ráo để có quyết định đúng đắn, phù hợp.

    Vậy thì hãy bớt đi những hành vi ác trong cộng đồng, thêm những hành vi thiện, đó là cách để giáo dục.Cần đề cao vai trò giáo dục đạo đức của tôn giáo, tạo điều kiện tối đa cho những bậc tu hành chân chính hành đạo. Một con chiên ngoan đạo chắc chắn sẽ sống tốt hơn một “tín đồ” của cờ bạc, số đề…

    Chúng ta kêu gọi phải đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh dân tộc, nhưng dân tộc khi mang thứ văn hóa này là điều không thể. Nên trước hết xã hội phải loại bỏ thứ văn hóa đầy tính hủy diệt này.

    - Thay vì giả dối, lừa lọc - người ta lại Chân thành, trung thực.

    - Thay vì ác độc, thâm hiểm người ta lại Thiện lương, nhân ái.

    - Thay vì đấu tranh, đầy hiềm khích người ta lại nhẫn nại, hòa ái.

    Vậy thì thay vì chỉ ngồi chửi rủa, thay vì nói xấu lẫn nhau, bêu rếu về người Việt xấu xí giữa làn sóng hội nhập đầy thách thức. Lòng yêu nước, tự hào dân tộc nên được hiện thực hóa từ những việc nhỏ nhặt nhất. Hãy cùng nhau dẹp bỏ thứ văn hóa Giả – Ác – Đấu, quay trở về với Chân – Thiện – Nhẫn để quy tụ sức mạnh.

    Bởi một xã hội có Chân – Thiện – Nhẫn thì sẽ có sự ổn định, sự thịnh vượng, có môi trường tốt cho những đột khởi tích cực, và trên hết là có niềm tin. Khi tất cả mọi người dân đều tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng vào quốc gia, vào những giá trị mà mình đại biểu và tin tưởng rằng làm điều tốt thì sẽ được đền đáp, thì đó chính là một tập thể hùng mạnh nhất.

    Rõ ràng, điều làm nên sức mạnh quốc gia không phải ở độ rộng lớn của mảnh đất mà chúng ta gọi là tổ quốc. Văn hóa chính là điều làm nên sức mạnh của mọi dân tộc hùng cường trên thế giới.

    Emanvn TH | DrThanh | Nguyễn Phan Quế Mai | Knews

    Ngày đăng: 20-05-2019 2,299 lượt xem