• LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG CÒN PHẢI ĐI TÌM VIỆC, LUÔN ĐƯỢC SĂN ĐÓN VỚI MỨC LƯƠNG CAO HƠN THỊ TRƯỜNG?

    Đặc biệt gửi đến các em non nghề, vẫn còn tư duy học giỏi auto có lương cao nhưng thực tế thì đang sấp mặt.

     

    “Người khôn ngoan không lãng phí công sức theo đuổi những điều không phù hợp với mình. Anh ta còn khôn ngoan hơn khi lựa chọn và quyết tâm theo đuổi những điều anh có thể làm tốt nhất trong số những thứ có thể làm tốt” - John.C.Maxwell

     

    Có vẽ dễ hiểu nhưng để hiểu sâu và áp dụng được rất khó vì đòi hỏi rất nhiều trải nghiệm sống. Theo thống kê, ai áp dụng chính xác được nguyên lý trên đều có sự đột phá vượt trội trong công việc, không bao giờ thất nghiệp và luôn được săn đón với mức lương cao hơn thị trường cho cùng một vị trí. Còn những người làm ngược lại luôn ở trong tình thế thất nghiệp, phải đi XIN XỎ công việc, bị chèn ép, tất nhiên là mức lương thấp lè tè.

     

    LÀM THẾ NÀO ĐỂ KHÔNG CÒN PHẢI ĐI TÌM VIỆC, LUÔN ĐƯỢC SĂN ĐÓN VỚI MỨC LƯƠNG CAO HƠN THỊ TRƯỜNG ?

     

    1. Chọn công việc, công ty phù hợp với bản thân.

    Mấy em bị say thuốc bởi các khóa học NLP nửa vời và sách Self Help thường không hiểu đến nơi đến chốn câu "They can do it, we can do it", từ đó kéo theo bệnh hoang tưởng. Hoang tưởng xong là bắt đầu xông ra phố đi bộ Nguyễn Huệ gào lên thảm thiết "TÔI SẼ KIẾM ĐƯỢC 1 TRIỆU USD TRONG VÒNG 1 NĂM". Trên thực tế câu đó chỉ đúng trong bối cảnh chúng ta hiểu thật rõ bản thân và làm đúng cách. Làm sai phương pháp hay đặt bản thân sai vị trí thì có mà tết Công Gô mới thành công.

    Trong tình trường, nếu như mấy anh chàng nai tơ thường tỏ ra tự ti hoặc tán tỉnh bất chấp rồi gặt cái đắng, thì thợ săn lọc lõi giàu kinh nghiệm chỉ tập trung vào đúng con mồi phù hợp nhất. Họ không bao giờ phí thời gian tiếp cận các mục tiêu khó với tới được, nên bỏ qua ngay để khỏi mất thời gian.

    Công việc hay công ty cũng vậy, chúng ta chỉ phù hợp với một nhóm công việc nào đó và một vài kiểu công ty nào đó. Nếu bản thân chúng ta là người giàu cảm xúc, thích giao tiếp mà phải gò ép bản thân trong một môi trường phải hạn chế tối đa sự giao tiếp thì điều gì sẽ xảy ra ? Liệu “I can do it” được bao lâu trước khi bỏ cuộc vì quá stress. Nếu bản thân chúng ta là người hướng nội, chỉ làm việc tốt với con số, với quy trình và rất phù hợp với công việc kế toán nhưng lại bị đẩy qua làm công việc MC hay quan hệ khách hàng thì chúng ta có phát huy được hết tố chất hay không ? Không phát huy tố đa thì hiệu quả không có, hiệu quả không có thì làm sao có đãi ngộ tốt được.

    Vậy nên hãy chọn đúng công việc, đúng công ty phù hợp với thế mạnh và con người của mình trước khi nói câu “They can do it, we can do it”. Hãy nỗ lực là con cá bơi nhanh nhất chứ không phải con cá cố học trèo cây.

     

    2. Hãy tạo ra lợi thế canh tranh cho bản thân.

    Biết bản thân giỏi cái gì, làm tốt cái gì là một chuyện nhưng còn để được săn đón hay không lại là chuyện khác.

    Bạn giỏi sẽ có người khác cũng giỏi như bạn. Bạn làm tốt công việc nào đó, sẽ có người cũng làm được tốt. Ở vai trò là nhà tuyển dụng người ta sẽ chọn ai bán chất xám với giá thấp hơn nếu hiệu quả làm việc giống nhau. Đó là lý do bạn phải tạo ra lợi thế cạnh tranh cho riêng mình.

    Lợi thế cạnh tranh là thứ bạn có nhưng người khác không có hoặc rất khó để Copy. Trong công việc, đó là thứ có thể giúp bạn mang lại kết quả vượt trội so với các ứng viên khác và là thứ các công ty trong tầm ngắm của bạn thèm khát. Tuy nhiên đây là thứ rất nhiều bạn bỏ lỡ hoặc không biết cách làm nên trong Profile hoàn toàn không có hoặc trình bày không có điểm nhấn. Sau đây là một số ví dụ liên quan đến cách để tạo lợi thế cạnh tranh:

    a/ Vị trí HR tuyển dụng:

    - Không có lợi thế cạnh tranh: Em có kinh nghiệm tuyển dụng 2 năm, biết cách lọc hồ sơ và phỏng vấn để tìm ra những ứng viên phù hợp => Cái này ai chả nói được và không thể hiện rõ bạn có chắc chắn làm được việc hay không.

    - Có lợi thế cạnh tranh: Em có kinh nghiệm tuyển dụng 2 năm trong ngành FMCG, đặc biệt là vị trí Sales và PG. Hiện tại em sở hữu mạng lưới mối quan hệ gồm 1200 nhân viên bán hàng, 150 giám sát bán hàng và 40 trưởng phòng trong ngành này. Em thường xuyên tương tác với họ nên rất hiểu họ muốn gì, cần gì. Bên cạnh đó vì có sự tin tưởng với nhau nên trung bình mỗi tháng khoảng 35 bạn Sales nhắn tin hỏi em có công việc nào hấp dẫn hay không,…… => Bao nhiêu công ty trong ngành FMCG sẽ mừng hết lớn khi thấy Profile của bạn khi tuyển Sales ngày càng khó ? Bao nhiêu người có thể tạo được lợi thế cạnh tranh này ?

    b/ Vị trí Marketer

    - Không có lợi thế cạnh tranh: Em làm Marketing được 3 năm, em biết sử dụng các phần mềm đồ họa và biết viết Content quảng cáo, … => Ai cũng nói vậy ở vị trí này.

    - Có lợi thế cạnh tranh: 3 năm làm việc trong chuỗi Café ở vị trí Marketing, quan sát và ghi chép tỉ mỉ nên em đã tổng hợp được một bảng báo cáo rất chi tiết về hành vi của khách hàng. Bảng báo cáo này cho thấy rõ nhóm khách hàng thường xuyên uống café hay lựa chọn loại nào nhất, giá nào nhất, …. Bên cạnh đó vì hiểu được khách hàng đến mức chi tiết nên 2 Content quảng cáo trong dự án abc do em viết đã thu hút xxx khách hàng tiềm năng tìm đến quán để trải nghiệm món mới => Cái dữ liệu này bao nhiêu Marketer đang có ? Bao nhiêu Marketer trong ngành hiểu đúng công việc và sâu sát đến mức này ? Bao nhiêu công ty trong ngành muốn hốt ngay Marketer này về làm việc cho mình để có doanh số ngay ?

    Còn có rất nhiều lợi thế cạnh tranh khác, tùy vào mỗi ngành nghề, mỗi thế mạnh của bản thân mà bạn có thể tự xây dựng cho riêng mình. Khi đó những công ty trong tầm ngắm sẽ đối xử với bạn không như những ứng viên bình thường, họ phải giành lấy bạn và tìm mọi cách có thể kéo bạn về. Đó là lúc lương của bạn không còn nằm trong cái gọi là Khung Lương nữa, cũng chẳng bao giờ có chuyện phải đi rải CV tìm việc. Tất nhiên để có lợi thế cạnh tranh, bạn phải nỗ lực rất nhiều để trở nên giỏi nhất, tốt nhất trong cái đã chọn.

    Giờ quay trở lại đầu bài, đọc lại một lần nữa câu nói của John Maxwell, tin rằng bạn sẽ ngấm hơn rất nhiều. Hãy lựa chọn công ty phù hợp, công việc phù hợp và nỗ lực làm tốt nhất, giỏi nhất sở trưởng của bạn rồi biến nó thành lợi thế cạnh tranh chỉ riêng mình bạn có. Cái bằng cấp siêu sao là lợi thế cạnh tranh nếu nhà tuyển dụng rất thích, tiếc là người ta trả giá cao vì bạn xứng đáng, vì kết quả mang lại chứ không phải cái bằng nên đừng có ảo tưởng sức mạnh hay ngồi đó gào mãi câu “They can do it, we can do it” nữa.

     

    Nguyễn Thanh Phong

    Ngày đăng: 28-10-2019 1,055 lượt xem