• KHUYÊN GÌ CHO NGƯỜI KHỞI NGHIỆP?

    Nhiều người khuyên, khởi nghiệp phải “kiên trì”, “quyết tâm”, biết “đứng lên từ thất bại”… Những đại gia thành đạt thì kể lại chuyện ngày xưa mình khởi nghiệp cực khổ thế nào, phải cày cật lực thế nào, và khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp phải làm giống mình – tức “chịu cực”, “chịu cày”, chịu làm mọi việc, chịu lăn lộn ngoài đường. Rồi các chuyên gia tư vấn khởi nghiệp thì chỉ bảo cách gọi vốn, cách tìm các nhà đầu tư thiên thần, cách... nộp mình cho cá mập…

     
    Những lời khuyên đó không sai. Chỉ ngạc nhiên là chẳng mấy ai khuyên khởi nghiệp phải coi trọng CHIẾN LƯỢC, MÔ HÌNH, KẾ HOẠCH, THƯƠNG HIỆU... Nhiều người cho chiến lược là thứ xa vời, mô hình chỉ là lý thuyết, kế hoạch làm chậm chạp mọi thứ, còn thương hiệu thì cứ từ từ (!?). Họ bảo khởi nghiệp phải ra đường, phải lăn xả, phải “cày cuốc” bất kể ngày đêm thì mới có cơ may thành công. Và thực tế, những tấm gương thành công ngày nay, hầu hết cũng đều nhờ cách thức này!
     
    Có điều là ít ai biết những tấm gương thành công kiểu này ít lắm (chỉ vài phần trăm), nhưng ai cũng nhìn thấy (vì thường chém gió trên đài, trên báo); trong khi số người thất bại, phá sản thì nhiều (trên 90 - 95%%) dù cũng áp dụng đúng y những gì được khuyên bảo (cày cuốc, chịu cực, lăn lộn, quyết tâm, kiên trì…), nhưng không ai nhìn thấy (có ai được lên báo, lên đài đâu mà thấy!).
     
    Vì sao vậy nhỉ?
     
    Cũng không có gì khó hiểu. Chưa xác định đi dường nào, đi về đâu, chung quanh ta có gì, thực lực ta ra sao, mà cứ lao vào đi, thậm chí chạy, vừa chạy vừa “phát quang”, vừa đi, vừa “vượt chướng ngại vật”, “lăn lê bò toài” các kiểu…, thì nếu không rơi xuống vực hay mắc kẹt trong bụi rậm chỉ là nhờ may mắn (chỉ vài phần trăm số người gặp may).
     
    Tôi không khuyên như vậy vì đã quá nhiều người khuyên rồi! Tôi khuyên, khởi nghiệp đừng vội lao ra đường, đừng lấy “lăn xả” làm kim chỉ nam, hay “cày cuốc” làm triết lý hành động. Cày cuốc, lăn xả, chịu thương, chịu khó không ai bằng người nông dân, sao họ vẫn nghèo? Hãy tỉnh táo, hãy thông minh, và hãy khôn ngoan! Hãy nhìn kỹ chính mình để biết thực lực; và hãy quan sát kỹ chung quanh để biết cơ hội, rủi ro nào… Và rồi, hãy sáng suốt lựa chọn con đường thật kỹ trước khi lao ra.
     
    Bạn phản đối cũng được; nhưng thực tế đã chứng minh tất cả. Những người khởi nghiệp khôn ngoan (chứ không phải cày bừa) thì sác xuất thành công sẽ cao hơn! Tất nhiên, ngoài sự khôn ngoan, người khởi nghiệp cần nhiều tố chất khác.
     
    TƯ DUY KHỞI NGHIỆP NGƯỢC ĐỜI...
     
    1. Nhà bác học Thomas Edison thất bại 10.000 lần mới tìm ra dây tóc bóng đèn. Ông ấy kiên trì thật, nhưng đừng bắt chước ông ấy mà thất bại nhiều lần đến thế! Vài ba lần là có thể sạt nghiệp rồi!
     
    2. Ông già KFC khởi nghiệp ở tuổi 65. Ông ấy giỏi thật, nhưng đừng bắt chước ông ấy mà khởi nghiệp ở tuổi già đến thế (trừ khi hết cách)! Vừa mới khởi vài tháng đã phải nhập viện vì huyết áp, tim mạch, tiểu đường, hay vì... lụ khụ quá thì sao?
     
    3. Võ sĩ Lý Tiểu Long không sợ người có 10.000 cú đá, mà chỉ sợ người luyện tập 10.000 lần chỉ một cú đá. Anh ấy tài năng thật, nhưng đừng nghe lời anh ấy mà cứ khư khư làm một việc duy nhất, giữ y một sản phẩm suốt đời. Hãy sáng tạo ra nhiều việc để mang lại nhiều giá trị, phát triển nhiều sản phẩm mới để đón bắt xu hướng tiêu dùng, và tìm kiếm thêm nhiều thị trường mới để thâm nhập và tăng trưởng.
     
    Ngay cả cầu thủ đá thuận chân phải cũng cần rèn sút chân trái. Hậu vệ cũng phải rèn sút cầu môn, và võ sĩ cũng phải rèn nhiều cú đá, cú đấm đa dạng chứ không phải chỉ một cú duy nhất!
     
    Tôi nói ngược đời vậy, không giống với nhiều lớp dạy khởi nghiệp, có ai đồng ý không?

     

    Nguyen Huu Long - GPTDNV

     

    Ngày đăng: 25-10-2019 952 lượt xem