• ĐA CẤP - NHỮNG ĐIỀU BẠN CHƯA HỀ NGHE, VÌ BỊ CHE GIẤU

    Bài viết này để giúp các bạn đang làm thấy bức tranh rõ ràng hơn, không bị lừa bịp và quan trọng nhất là không bị mất hết tiền và mối quan hệ. Bài viết này chỉ phù hợp các bạn đang cộng tác với những công ty chính thống và hợp pháp, một nhóm hợp pháp và không có tư duy lừa đảo.

     

    - Chỉ cần cố gắng, chỉ 3 – 5 năm các bạn chắc chắn sẽ lên Diamond, lên Ruby, lên Bla Bla...

    - Chỉ cần tham gia hệ thống, làm theo những người thành công thì bạn sẽ thành công.

    - Bạn sẽ được đào tạo tất cả những kỹ năng để làm chủ doanh nghiệp.

     

     

    ĐỪNG NÓI PHÉT!

    Theo thống kê từ những nguồn tin cậy, là những người đang hoạt động trong ngành MLM từ rất nhiều công ty chính thống và hợp pháp như Amway, Herbal Life, Nuskin, …là: "những người có thể kiếm được thu nhập từ 60 triệu trở lên trong ngành Kinh Doanh này chưa tới 1/1000".

    Không tin ư, hãy rảo một vòng những công ty trên và xem còn có bao nhiêu người đang ở cấp độ cao nhất (Có thu nhập từ 60 triệu trở lên) rồi chia cho 1 triệu người đã đăng ký làm MLM tại Việt Nam thì biết. Con số này chắc hẳn sẽ gây sửng sốt cho rất nhiều người, làm một số bạn đầu nhánh lo sợ vì ứng viên của mình có thể biết được.

     

    BẠN ĐÃ HẾT ẢO TƯỞNG CHƯA?

    Chưa đâu, sẽ có rất nhiều người sẽ cho rằng:

    - Người ngoài biết gì mà nói.

    - Không làm kinh doanh này thì đừng có phá.

    - Đây là con số báo cáo láo vì tháng nào cũng thấy công ty tưởng thưởng những người đạt danh hiệu mới.

    Tui hoàn toàn đồng ý là tháng nào cũng có người đạt danh hiệu mới, tuy nhiên vấn đề là có bao nhiêu người duy trì được danh hiệu đó. Tháng này đạt được, tháng sau rớt thì không thể tính là kinh doanh bền vững.

    Mỗi người quyết định tham gia vô ngành này đều mong muốn mỗi tháng sẽ có được thu nhập cao một cách đều đặn, chứ không phải tháng được tháng mất.

    Tui từng chứng kiến rất nhiều trường hợp chỉ đạt được thành tích một lần rồi tuột dốc, có điều khi chia sẻ với người khác họ chỉ nói về cái thành tích cao nhất kia thôi để đảm bảo có thể thu hút được thêm người mới vô mạng lưới kinh doanh của mình. Hồi xưa, lúc còn làm kỹ sư quèn, tui từng có thời gian hoạt động trong lĩnh vực này để phát triển thêm kỹ năng nên cũng từng như thế. Giờ nghĩ lại thấy hồi đó sao mình xạo quần quá.

    Sau một thời gian được trải nghiệm, được huấn luyện bởi những người rất xuất sắc trong nhiều tổ chức lớn, CEO có, quản lý cấp cao có, tui ngộ ra rất nhiều thứ về cái gọi là "Xây dựng doanh nghiệp hiệu quả".

    Bên cạnh đó do từng hoạt động trong lĩnh vực MLM nên tui hình dung rõ hơn lý do rất nhiều nhà phân phối bỏ cuộc, hoặc mãi mà không đạt được mục tiêu của mình. Đó là lý do tui viết bài này để giúp các bạn đang làm thấy bức tranh rõ ràng hơn, không bị lừa bịp và quan trọng nhất là không bị mất hết tiền và mối quan hệ. Bài viết này chỉ phù hợp các bạn đang cộng tác với những công ty chính thống và hợp pháp, một nhóm hợp pháp và không có tư duy lừa đảo.

     

    I/ TẠI SAO HƠN 99% NGƯỜI KHÔNG THỂ THÀNH CÔNG TRONG MLM?

     

    1. Chỉ có chữ WHY mà không có chữ HOW:

    Khi được bảo trợ, chắc hẳn tuyến trên của các bạn nói rằng có rất nhiều người đã thành công với công việc truyền thống rồi, nhưng vì thấy tiềm năng nên họ vẫn tham gia vào mạng lưới. Họ là kỹ sư, bác sĩ, quản lý trong những công ty lớn,….Chính xác là như thế, và đó cũng là những người thành công trong kinh doanh này luôn.

    Các thành phần khác như sinh viên, nhân viên bình thường gần như không có cửa.

    Hãy tìm lại tất cả thông tin của những người được tôn vinh ở những cấp độ cao (trừ những thành phần lừa đảo trong những công ty lừa đảo) bạn sẽ thấy phần lớn họ đang hoặc đã từng là chủ doanh nghiệp, đang hoặc đã từng là quản lý cấp cao của những tập đoàn lớn; số người không thuộc nhóm này thật sự rất ít.

    Tại sao lại như vậy?

    Đơn giản vì những người thành công trong lĩnh vực này, họ đều có Tư Duy của người làm chủ, và còn có kỹ năng để vận hành kinh doanh nữa.

    Họ không chỉ có chữ WHY mà còn có chữ HOW, thành công của họ hoàn toàn không bị phụ thuộc vào bất cứ ai và họ chủ động được trong chiến lược của mình.

    Còn phần lớn nhà phân phối khác chỉ gào thét chữ WHY từ năm này qua năm khác, bị kẹt lại và rồi bỏ cuộc. Nếu như chữ WHY là khởi nguồn của động lực thì chữ HOW sẽ là thứ giúp bạn duy trì động lực và thành công. Không có chữ HOW đúng, bạn giống như người mù cố gắng vượt qua nhiều chông gai với hy vọng đến thành công mà không biết là bản thân đang đi theo hướng ngược lại, đang đi sai làn đường, đang đi vào cạm bẫy.

    Tui rất tâm đắc câu nói của một chuyên gia tư vấn doanh nghiệp: “Những người nhiệt tình, có khả năng thực thi với hiệu suất cao nhưng đi sai hướng là những người phá công ty hiệu quả nhất”. Câu này cũng hoàn toàn đúng trong ngành MLM, những người cày ải một cách cật lực mà không được định hướng rõ ràng cũng là những người nhanh thất bại nhất.

    Bạn và tuyến trên trực tiếp đã có chữ HOW một cách rõ ràng chưa, hay chữ HOW của các bạn là “Hãy mời người khác đến hội thảo, hãy gọi điện nhiều lên, hãy cho người khác sử dụng sản phẩm, hãy đến với các buổi huấn luyện”. Nếu chữ HOW của bạn chỉ có vậy thôi mà vẫn không chịu mở nắp chai để cập nhật kiến thức mới thì bạn nên ngừng kinh doanh mảng này là vừa vì chỉ phí thời gian. Đây chính là sai lầm đầu tiên của rất nhiều người đang làm kinh doanh MLM.

     

    2. Bị nhồi nhét những kiến thức không đúng.

    a/ Kiến thức sản phẩm:

    Những công ty chính thống cung cấp cho các bạn rất chi tiết về kiến thức sản phẩm, họ có đội ngũ chuyên gia giải thích rất tường tận để đảm bảo nhà phân phối làm đúng.

    Thế nhưng số lượng nhà phân phối tham gia những buổi huấn luyện như vậy rất ít, phần lớn là nghe tuyến trên của mình nói lại. Sao chép từ lớp này qua lớp khác dẫn đến sai lệch thông tin, thế rồi mang tiếng khi khách hàng sử dụng không hiệu quả.

    Tuyến trên của các bạn không cố ý nói sai, tuy nhiên theo tâm lý con người thì khi hào hứng quá sẽ bắt đầu thêm mắm dặm muối, thêm vài lần là tính năng sản phẩm bị bóp méo hoàn toàn. Đây cũng là một trong những trăn trở lớn nhất của công ty trong ngành này, thật sự rất chật vật để kiểm soát nhà phân phối.

    Tôi từng trải nghiệm sản phẩm của Amway và thấy tốt, tốt hơn nhiều so với một số sản phẩm bên ngoài thị trường, tuy nhiên tôi rất không hài lòng khi nhiều nhà phân phối khen ngợi về sữa tắm như sau: “Vì những tính năng abc như vậy nên ngay cả khi đang tắm mà bị cúp nước, bạn chỉ cần sử dụng một cái khăn khô để lau người là xong”. Tôi đã thử trong bối cảnh không bị cúp nước để kiểm nghiệm và kết quả là bị mẫn ngứa ngay Tờ Rim. Thật may mắn khi không thử nghiệm lúc nước bị cúp. Điều gì xảy ra nếu bạn cứ nói những gì ở trên với khách hàng khó tính? Bạn tiêu rồi.

    Tuy nhiên, tôi dám cá rằng không dưới 30% nhà phân phối đang nói y chang như vậy, một số cũng bị dị ứng ngứa như tôi khi thử nghiệm nhưng vì đang làm kinh doanh nên không dám nói ra sự thật, dù bên trong bắt đầu cảm thấy hoang mang và lo ngại về sản phẩm. Bạn thấy không, ngay cả khi sản phẩm chất lượng mà bị bóp méo về tính năng thì cũng đã góp phần làm trì hoãn kinh doanh của bạn. Do đó nếu đã quyết định tham gia vào mạng lưới kinh doanh MLM, vui lòng đến công ty mà học, học thật cặn kẽ và chi tiết.

     

    b/ Kiến thức làm kinh doanh MLM.

    Nếu kiến thức sản phẩm sai 1 thì kiến thức làm kinh doanh sai đến 10 vì hầu hết lượng kiến thức này được truyền tải từ những người chưa từng làm chủ doanh nghiệp, thậm chí không hề làm quản lý kinh doanh trong bất kỳ công ty nào.

    Những người phổ biến kiến thức này phần lớn đang là nhân viên bình thường, là sinh viên, là những người làm kỹ thuật,… Họ đọc qua một vài quyển sách về bán hàng, một vài quyển sách về lãnh đạo, nghe người khác nói lại rồi đi đào tạo cho tuyến dưới như đúng rồi.

    Sau một vài buổi như vậy, những người tuyến dưới cũng bắt chước làm tương tự, tự huyễn hoặc rằng bản thân đang phát triển rất nhanh mà không biết rằng những gì đã được truyền tải hoàn toàn không phù hợp. Ở đây không có Đúng hay Sai mà là Phù Hợp hay Không Phù Hợp vì trong bối cảnh này kiến thức đó có thể đúng, nhưng bối cảnh khác lại sai bét nhè. Tuy nhiên vì hoàn toàn thiếu trải nghiệm thực tế nên hầu hết nhà phân phối vẫn cho rằng mình đang làm đúng. Thế là kinh doanh bị mắc kẹt mãi mà không phát triển được.

     

    Sau đây là một số sai lầm cơ bản nhưng đang được phổ biến rộng rãi:

     

    1. Bạn không cần sáng tạo gì cả, đây là kinh doanh “Sao chép”, chỉ cần sao chép lại cách làm từ những người thành công thì bạn sẽ thành công.

    Trong bối cảnh mọi thứ đang thay đổi đến chóng mặt, thay đổi không kịp sẽ chết, vậy mà rất nhiều nhà phân phối vẫn còn đang tư duy theo cách này.

    Như thế nào được gọi là “Sao chép” lại từ những người thành công, chính bản thân những người đang đứng đào tạo cũng không hình dung ra hết. Lẽ ra cái cần sao chép là khả năng tư duy, phương pháp phân tích vấn đề để tự ra quyết định chính xác, và năng lực làm việc của những người thành công, chứ không phải là “Sao chép” lại từng câu chữ hay cách làm một cách rập khuôn.

    Bên cạnh đó trên đời này không hề có cái gọi là "Công thức thành công" vì nếu có thì tỉ lệ thành công khi sao chép phải là 100% chứ sao lại thấp thế, và tỉ phú đã tràn lan khắp mặt đất chớ đâu ra người nghèo. Lý giải cho điều này rất đơn giản, hai bản thể có tố chất khác nhau sẽ không thể nào cùng sử dụng chung một công thức được mà phải được thiêt kế lại. Cái này giống như con cá làm sao có thể học trèo cây bằng cách copy cách trèo của con khỉ được dù con khỉ là "Super trèo".

     

    2. Bạn chỉ nên làm công việc chính thức ở mức “Tốt Vừa Đủ”, vì nếu bạn làm tốt quá mà được thăng chức thì sẽ không còn thời gian để đầu tư cho kinh doanh.

    Thế nào được gọi là Tốt Vừa Đủ? Con đường thăng chức dễ dàng như vậy ư? 

    Lạ một điều là những người phát ngôn các câu này lại là những người rất thấm nhuần triết lý “Luật hấp dẫn” và luôn nói “Gà không thể đi cùng với Đại Bàng” khi thuyết phục người khác làm kinh doanh với mình.

    Chính vì tư duy “Tốt Vừa Đủ” nên phần lớn những người được họ thuyết phục vào kinh doanh này cũng từ cấp độ nhân viên lèng xèng trở xuống. Cứ như vậy, chất lượng người sau tệ hơn người trước thì kinh doanh sao chạy được.

     

    3. Tư duy “Không cần biết người khác đang thành công như thế nào, đây là kinh doanh mới nên họ không thể nào hiểu và giỏi như tuyến trên của mình được”.

    Oke, để xem lại. Tuyến trên của họ đang phải chật vật đi xin việc, đang làm công việc với mức lương bèo và tệ hơn nữa là đang thất nghiệp nhưng được khoác bên ngoài bởi những ngôn từ mỹ miều như đang thay đổi công việc để có thời gian làm kinh doanh.

    Việc nhà phân phối mặc vest, ăn mì tôm không hề hiếm trong mạng lưới kinh doanh này chỉ vì không có tư duy đúng đắn khi làm kinh doanh. Cách đây không lâu, khi đăng bài viết lên một vài group, một số người nhảy vào ném đá một cách rất cuồng tín để bảo vệ niềm tin của họ. Ê, tuyến trên của các bạn là con người thì phải có chỗ đúng chỗ sai chớ, làm gì có ai hoàn hảo mà thần tượng hóa, đặt lên đầu tôn thờ vậy.

    Nên nhớ rằng tuyến trên chỉ là người vô trước, có kinh nghiệm hơn và là người hỗ trợ hay hướng dẫn kinh doanh cho bạn chứ không phải ông thần để thờ lạy. Bao nhiêu người mù quáng kiểu này nên bị lừa sml rồi đó, vậy nên bớt bớt.

     

    4. Cóp nhặt kiến thức từ nhiều nguồn chắp vá khác nhau, phần lớn là kiến thức cũng sai bét nhè từ những “Chuyên gia dỏm”.

    Thay vì đầu tư một cách nghiêm túc, tham dự những chương trình huấn luyện thật sự hiệu quả để áp dụng cho kinh doanh, phần lớn nhà phân phối tìm đến những chương trình miễn phí với suy nghĩ không bổ dọc cũng bổ ngang, chủ yếu để tìm thêm danh sách ứng viên. Đã sai lại càng sai.

     

    5. Né tránh khi nói về kinh đoanh.

    Bạn mời người ta đến để chia sẻ kinh doanh, người ta nghe mùi rồi hỏi lại "Đa cấp hả?", là chối ngay hoặc hỏi cái câu mà ai cũng thuộc "Theo bạn đa cấp là gì?".

    Sau đó là một tràn nói là công ty bình thường cũng có nhiều cấp sao không kỳ thị mà kỳ thị kinh doanh này. Xong phim, mất ứng viên trong vòng 1 nốt nhạc vì 2 nguyên nhân:

    - Không ai muốn hợp tác làm ăn với một người mà chính họ cũng không tự hào hay tự tin nói về kinh doanh của mình.

    - Không ai muốn nghe thuyết giáo vòng vòng.

    Đa cấp thì cứ nói đa cấp, sợ gì bố con thằng nào mà cứ giấu giấu diếm diếm. Càng giấu càng lòi đuôi và càng mất cơ hội vì giờ ai cũng biết ai kia là ai đó.

     

    II/ NẾU BẠN BIẾT ĐIỀU NÀY, KHÔNG CẦN TUYẾN TRÊN BẠN VẪN LÀM KINH DOANH MẢNG NÀY ĐƯỢC.

    Những nhà phân phối chưa thành công cho rằng làm kinh doanh này khác với cách làm kinh doanh truyền thống; còn những người đã thành công thì cho rằng 2 mô hình này chẳng khác gì mấy, chỉ là không được nhận lương cứng và cũng chẳng phải trả lương cho ai.

    Tại sao lại có quan điểm trái chiều như vậy?

    Đơn giản thôi, phần lớn nhà phân phối tự cho mình là chủ doanh nghiệp độc lập nhưng không hiểu rõ vận hành một doanh nghiệp là như thế nào, chỉ một số ít thật sự biết được và thành công.

    Vậy thứ cần được trang bị đầu tiên cho tất cả nhà phân phối để có tư duy và cách làm việc của chủ doanh nghiệp phải là “Tầm nhìn” để hình dung được cách một doanh nghiệp vận hành là thế nào trước khi nói tới bất kỳ kỹ năng nào khác.

    ---

    "Năm 1911, Amundsen và Scott cùng tham gia vào cuộc hành trình đến Nam Cực trong điều kiện thời tiết vô cùng khắc nghiệt, tỉ lệ sống sót trong những cuộc thám hiểm như thế này cực kỳ thấp. Kết quả ngày 25/01/1912 đội của Amundsen đã kết thúc chuyến đi và về đến căn cứ.

    Đúng 8 tháng sau, một nhóm trinh sát Anh đã tìm thấy thi thể bị đông cứng của Scott và hai người đồng hành trong một túp lều nhỏ ở nơi xa xôi, đầy tuyết xoáy và chỉ cách trạm tiếp tế có mười dặm.

    Amundsen và Scott đã có những kết quả cực kỳ khác nhau, không phải vì họ đối diện với hoàn cảnh khác nhau mà vì họ đã thể hiện những hành vi hết sức khác nhau.

    Trước khi khởi hành, Amundsen đã sống cùng người Eskimo để học và thích nghi với việc sống trong môi trường lạnh giá, bắt chước cách người Eskimo dùng chó để kéo xe,.... Trong chuyến đi, Amundsen đã xây dựng một cách có hệ thống rất nhiều lớp phòng ngừa đệm cho những sự kiện không lường trước được. Khi dựng các trạm tiếp tế, Amundsen không chỉ đánh dấu một trạm đầu tiên mà ông còn cắm 20 chiếc cờ màu đen nối tiếp để định hướng, giúp ông không bị chệch hướng trong lúc bão tố và trữ đến 3 tấn hàng cung cấp cho 5 người khởi hành.

    Ngược lại Scott chỉ cắm một lá cờ tại trạm tiếp tế đầu tiên, chẳng để lại dấu vết nào khác trên đường của mình, và chỉ trữ 1 tấn cho 17 người; ông đã tự đặt bản thân và đồng đội vào thảm họa. Scott lại còn không có bất kỳ sự luyện tập hay chuẩn bị chu đáo nào trước chuyến đi.

    Chính trải nghiệm sống đã giúp Amundsen thấy bức tranh toàn cảnh rõ hơn và đã tạo ra sự khác biệt lớn trong việc thể hiện hành vi giữa ông và Scott."

    ---

    Điều này cho thấy, chính trải nghiệm thực tế chứ không phải sách vở mới là thứ sẽ giúp cho nhà phân phối mở rộng tầm nhìn nhanh chóng để có thể điều hành kinh doanh hiệu quả.

    Tuy nhiên đây cũng chính là điểm yếu lớn nhất của những người làm kinh doanh MLM vì hầu hết không hề có bất kỳ trải nghiệm kinh doanh thực chiến nào.

     

    Trong khuôn khổ bài viết này, tui sẽ nỗ lực giúp các bạn hình dung rõ ràng hơn cách một tổ chức được vận hành như thế nào một cách đơn giản nhất, sau đó hãy vận dụng ngược lại cho kinh doanh của bạn.

     

    Hãy tưởng tượng đội nhóm của bạn như một chiếc xe đạp, mỗi nhà phân phối tuyến dưới chính là một phần của chiếc xe và nhiệm vụ của bạn là chạy đến đích. Vậy bạn sẽ làm gì để chiếc xe này cán đích?

    Câu hỏi có vẻ ngớ ngẩn vì ai cũng biết là phải ngồi lên, đạp xe, chỉnh tay lái, né ổ gà, tra dầu nhớt và bơm hơi thêm nếu cần, ... Nói cách khác, tay đua phải tạo ra sự phối hợp, vận hành, và kết nối tất cả các bộ phận một cách trơn tru để điều khiển chiếc xe về đích.

    Cách vận hành một dự án kinh doanh cũng tương tự như vậy.

    + Tuy nhiên những gì nhà phân phối vẫn đang hình dung khi làm kinh doanh này là: Sử dụng sản phẩm, bảo trợ người sau, đến hệ thống tham dự hội thảo, mời người đến hệ thống, bán hàng, tham gia các chương trình huấn luyện.

    + Bức tranh đúng phải là: Marketing & Bán hàng, Tuyển dụng (Bảo trợ) đúng người, Thiết lập hệ thống mang tính cá nhân nhưng đồng bộ với định hướng chung của nhóm lớn và luật công ty để kiểm soát hiệu quả làm việc của nhóm, Huấn luyện để mọi người có thể làm việc độc lập, Gắn Kết mọi người lại thành một khối và hướng đến mục tiêu chung của đội nhóm, phát triển đội ngũ “Lãnh đạo” kế thừa. Đến đây đã thấy giống kinh doanh truyền thống chưa?

     

    TÔI CẦN LÀM GÌ ĐỂ THỰC HIỆN TỐT CÁC VIỆC TRÊN?

     

    1. Tìm một công việc chính, làm tốt đến mức không cần ai giám sát để có nguồn thu nhập ổn định.

    Có thực mới vực được đạo, do đó việc đầu tiên cần làm không phải là lập tức tập trung vào kinh doanh, mà phải có công việc chính và làm thật tốt trước đã.

    Không biết ở những quốc gia khác như thế nào, nhưng tại Việt Nam đang có rất nhiều nhà phân phối tìm đến kinh doanh này và muốn kiếm tiền thật nhanh chóng khi không có công việc chính. Kết quả là kinh doanh không hiệu quả, việc chính thì không đến đâu, thu nhập bấp bênh lúc no lúc đói.

    Hãy quan sát ở ngoài đi, làm gì có ai ngay lập tức thu lợi, thu được tiền từ kinh doanh ngay lập tức. Họ phải đổ xương máu, cắn răng chịu lỗ một thời gian rất dài trong những thời buổi ban đầu. Điều gì xảy ra nếu trong quá trình làm kinh doanh này mà không có thu nhập từ việc chính đắp vào trong những ngày đầu còn non yếu, chắc bạn có thể đoán được.

    Nếu Tuyến Trên các bạn đang hô hào rằng, làm kinh doanh này dễ lắm, có thể có nhiều tiền ngay lập tức thì bạn nên rời khỏi nhóm này càng sớm càng tốt, ngay cả khi đang cộng tác với công ty hàng đầu. Bạn sắp bị mất rất nhiều tiền và ăn quả đắng từ những người tuyến trên này.

    Công ty hợp pháp không có nghĩa là tuyến trên tốt, đừng gộp lại. Hàng năm các công ty kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn nỗ lực giám sát và cắt mã số của rất nhiều người làm kinh doanh theo cách này, có điều vì quá đông nên không làm xuể. Do đó, bạn hãy cẩn thận.

     

    2. Hãy nỗ lực lên vị trí Manager càng nhanh càng tốt.

    Trong bất kỳ lĩnh vực kinh doanh nào, ban lãnh đạo đều mong muốn tuyển được người thật giỏi để thúc đẩy công ty phát triển. Kinh doanh này cũng vậy, chỉ khi tuyển được người có năng lực, có mạng lưới mối quan hệ tốt, có tài chính dồi dào và ổn định, có kinh nghiệm vận hành hay quản lý kinh doanh thì tốc độ thành công của bạn mới được đẩy nhanh.

    Tuy nhiên “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”. Hãy hình dung, bạn đang là quản lý cấp cao và được một người nào đó có chức vụ thấp, mức lương thấp hơn bạn đến ½ mời làm kinh doanh thì bạn có muốn làm không?

    Chắc chắn là phải đắn đo rất nhiều trước khi ra quyết định, mà câu trả lời thường là “Không”, trừ khi bạn tự nhìn thấy tiềm năng kinh doanh này và tin rằng bản thân có thể làm tốt mà không cần dựa vào ai.

    Ứng viên của các bạn cũng sẽ có tâm lý như vậy, nếu bạn không đủ tầm bạn sẽ rất vất vả để bảo trợ những người quản lý để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh doanh.

    Do đó, làm gì thì làm, hãy trở thành quản lý cấp trung và cấp cao trong công ty càng sớm càng tốt. Nhớ đầu quân cho những công ty có thương hiệu nhé, sẽ giúp ích cho bạn hơn rất nhiều. Thương hiệu công ty càng tốt, chức danh “Quản lý” của bạn càng có sức hút và uy tín với ứng viên.

     

    3. Nắm vững kiến thức sản phẩm & các chính sách hỗ trợ khách hàng của công ty.

    Như phần trên đã đề cập, vui lòng đến công ty để học và nắm bắt tường tận kiến thức.

    Nếu bạn không hiểu đúng để tư vấn đúng thì không ai dám sử dụng sản phẩm mà bạn bán, bạn không thể phát triển được đội nhóm một cách đúng đắn, thậm chí còn nghi ngờ và hoang mang khi xảy ra những vấn đề vượt ngoài tầm kiểm soát.

    Bên cạnh đó, dịch vụ khách hàng là phần không thể thiếu khi bán bất kỳ sản phẩm nào, do đó hãy nắm vững các chính sách của công ty để hỗ trợ tốt nhất cho khách hàng của bạn.

    À, nhớ sử dụng sản phẩm, bán gì hãy xài đó thì khách hàng mới tin bạn, nhưng đừng “Cuồng” , vì khi “Cuồng” là lúc bạn chuẩn bị bóp méo và làm sai lệch về sản phẩm mà không biết. Những nhà phân phối cho Coca, Pepsi, Omo, Tide,… không hề cuồng, họ tự tin sản phẩm đủ tốt để sử dụng và bán, vậy là đủ. Hãy như họ!

     

    4. Học cách marketing, bán hàng và khả năng lập kế hoạch bán hàng trong ngắn và dài hạn.

    Bất kể bạn làm gì, đã làm kinh doanh thì phải biết bán hàng.

    Nếu bạn không bán hàng, đội nhóm của bạn cũng sẽ không bán hàng, vậy thì doanh số ở đâu mà phát triển kinh doanh.

    Tuy nhiên có rất nhiều nhà phân phối khi giới thiệu về kinh doanh này cho người khác lại lảng tránh điều này hoặc không nói thẳng vì sợ mất người (đa số ứng viên không phải là dân Sales hay Marketing, nên nghe đến bán hàng là chạy mất dép).

    Điều này không đúng vì bạn cần tuyển những người mạnh mẽ, làm được việc, không ngại khó và quan trọng nhất là bán được hàng. Do đó, hãy bắt đầu học marketing, học bán hàng, học cách lập kế hoạch và quản lý doanh số nếu chưa biết và huấn luyện lại cho đội nhóm của bạn.

    Hãy học từ những người thực chiến để làm đúng vì học từ những chuyên gia chém gió rồi làm sai bạn sẽ mất hết mối quan hệ, đặc biệt là trong ngành kinh doanh nhạy cảm này. Đừng gặp ai cũng ra rả nói về kinh doanh, nói về sản phẩm, nghe riết đuối lắm và từ tích cực chuyển thành tiêu cực. Đừng để facebook luôn là status bán hàng hay PR cho sản phẩm, cũng đuối lắm. Thay vào đó hãy tạo ra giá trị trước đã, mới là cách bán hàng khôn ngoan.

     

    5. Học kỹ năng trình bày truyền cảm hứng.

    Đây là kỹ năng không thể thiếu của chủ doanh nghiệp.

    Không cần biết xuất phát điểm của bạn như thế nào thì việc truyền cảm hứng cho đội nhóm là điều cần thiết.

    Từ huấn luyện, trình bày một vấn đề, hay tổ chức các buổi bán hàng, bạn đều cần đến kỹ năng này. Không có nó, bạn rất khó để dẫn dắt và thúc đẩy tốc độ phát triển kinh doanh của mình.

     

    6. Học cách thiết lập và vận hành hệ thống riêng dựa vào hệ thống sẵn có của người đi trước, nếu hệ thống sẵn có không tốt thì thay thế luôn, miễn đồng bộ với định hướng của công ty.

    Kinh doanh của bạn sẽ không thể phát triển được nếu cứ phụ thuộc vào một ai đó.

    Tất cả các chủ doanh nghiệp đều học cách phát triển hệ thống, quy trình cho riêng mình để quản lý và kiểm soát công việc hiệu quả.

    Thời thế thay đổi, tầm nhìn thay đổi, chiến lược thay đổi, thì hệ thống phải thay đổi để phù hợp với hiện trạng kinh doanh của bạn.

    Tuy nhiên hơn 99% nhà phân phối không định nghĩa được chính xác hệ thống là gì, huống hồ là xây dựng hệ thống cho riêng mình. Câu cửa miệng của rất nhiều nhà phân phối là “Đi hệ thống”, câu này hoàn toàn tối nghĩa vì hệ thống là biểu mẫu, quy trình, quy định, luật chơi được thiết lập ra để hỗ trợ cho kinh doanh chứ không phải là một khán phòng có nhiều người.

    Một khi hệ thống được thiết lập hiệu quả và dựa trên một chiến lược cụ thể, bạn sẽ tự mình kiểm soát được kinh doanh mà không cần có tuyến trên. Lúc này tuyến trên của bạn chỉ là người tham chiếu hoặc hỗ trợ thêm cho bạn nếu cần. Và đây là thứ bạn cần huấn luyện rất kỹ cho tuyến dưới, chỉ khi họ biết cách xây dựng và vận hành một hệ thống riêng thì bạn mới rảnh tay để làm việc khác mang tính chiến lược.

    Đừng đi theo vết xe đổ của nhiều nhà phân phối là sao chép lại nguyên xi hệ thống của người khác, vì chiến lược và nguồn lực của bạn khác thì hệ thống phải được thay đổi để phù hợp với định hướng của bạn.

    Các Tuyến Trên thiếu năng lực rất sợ tuyến dưới của mình làm điều này vì lo rằng mình mất tầm ảnh hưởng, đó là lý do kinh doanh của cả họ và cả tuyến dưới giậm chân tại chỗ.

     

    7. Học kỹ năng quản lý & lập kế hoạch chiến lược ĐÚNG.

    Trong các buổi huấn luyện của nhà phân phối, cụm từ “Lãnh đạo” được nhắc đến rất nhiều, nhưng ít khi nghe đến từ “Quản lý”.

    Vì mọi người cho rằng khi không trả lương cho tuyến dưới, thì không có quyền quản lý người khác, chỉ có truyền cảm hứng và động viên.

    Đây cũng là một trong những lý do làm chậm tiến độ phát triển kinh doanh. Cái nhà phân phối cần quản lý ở đây sẽ thiên về quy trình chứ không phải là con người để kiểm soát hiệu quả kinh doanh.

    Tất cả những kỹ năng sau đều là quản lý: lập kế hoạch kinh doanh, kiểm soát công việc, quy trình huấn luyện, quy trình tuyển dụng, luật chơi và quy tắc chung của nhóm,…

    Việc không được đào tạo bài bản: cách thiết lập và vận hành hệ thống cho riêng mình, đây là lý do làm các nhà phân phối không hình dung được, nên bị thiếu mất phần này.

     

    8. Phát triển kỹ năng lãnh đạo.

    Cái này chắc tất cả nhà phân phối đều nghe ra rả hàng ngày nên không cần nói nhiều đến tầm quan trọng của kỹ năng lãnh đạo khi vận hành kinh doanh.

    Tuy nhiên đây cũng là thứ nhiều nhà phân phối đang làm sai và ảo tưởng nhiều nhất. Đọc vài quyển sách, tham gia vài chương trình huấn luyện và tự cho rằng mình đã được trang bị kỹ năng lãnh đạo và bắt đầu đi thuyết giáo với người khác. 

    Điều này đang làm nhà phân phối tuyến trên mất rất nhiều nhà phân phối tuyến dưới và ứng viên tiềm năng.

    Kỹ năng lãnh đạo rất rộng và bao quát, trong phần này tôi không thể viết quá dài được, nhưng tóm lại đây là những gì bạn cần trang bị cho kinh doanh này:

     + khả năng gây ảnh hưởng,

     + khả năng kiểm soát cảm xúc,

     + khả năng xây dựng mối quan hệ,

     + khả năng truyền đạt tầm nhìn,

     + khả năng hoạch định chiến lược,

     + khả năng giao tiếp và trình bày truyền cảm hứng,

     + khả năng thuyết phục,

     + khả năng giải quyết mâu thuẫn,

     + khả năng gắn kết đội ngũ,

     + khả năng động viên,

     + khả năng huấn luyện và phát triển lãnh đạo kế thừa.

    Khi nào bạn thực hành và làm tốt được tất cả những kỹ năng vừa liệt kê, lúc đó bạn mới là “Lãnh đạo thực thụ”, còn không thì mọi thứ chỉ là Lý thuyết suông.

    Đừng ảo tưởng khi mọi thứ còn quá sớm. Lãnh đạo không phải là chức danh mà là tầm ảnh hưởng với những người xung quanh. Quyển sách "Nhà lãnh đạo không chức danh" nói khá sâu về điều này.

    Một trong những điểm cần lưu ý ở phần này là nhà phân phối được đào tạo rằng hãy khen ngợi và công nhận người khác, có điều hãy bớt khen quá lố. Động viên và nhìn nhận là tốt và thuộc bộ kỹ năng lãnh đạo, nhưng làm lố sẽ mang lại tác dụng ngược.

    Có khá nhiều nhà phân phối chia sẻ rằng, lúc đầu được khen trước nhiều người nghe cũng vui, nhưng dần bị nhàm. Nhiều lúc được nhìn nhận quá lố hay khen những thứ không thực chất, cảm giác tự hào bị thay thế bằng cảm giác khác là “Xấu hổ”.

    Bệnh này khá nặng trong lĩnh vực kinh doanh này và cần điều chỉnh ngay.

    Đây là ABC và bạn là một trong những người có tinh thần lãnh đạo, là tấm gương cho người khác,…”;

    bạn nghe thấy có quen không?

    bạn có thích nghe lời khen này khi nhận thấy bản thân chưa đủ tầm không?

    Và còn nhiều lời khen khác nữa. Khen ngợi và động viên là một nghệ thuật và cần phải được huấn luyện bài bản và đúng cách.

    Tới đây chắc hẳn mọi người hình dung rõ hơn về những gì cần phải làm và học rồi. Chúc mọi người thành công, còn không thành công thì cũng đừng để mất mối quan hệ vì làm sai cách nữa.

    P/S: Đang quỡn và cũng thích chia sẻ về chủ đề này sâu hơn, liên quan đến thiết lập hệ thống trong kinh doanh MLM nhưng không có phòng. Ai tài trợ phòng có máy chiếu, cafe và ăn trưa thì xếp hình, lộn xếp lịch đi, tui đi share cho. Nhân tiện nói luôn, bộ sách kinh doanh nói về chữ HOW sắp ra mắt.

     

     

    Nguyễn Thanh Phong

    Ngày đăng: 31-10-2019 7,247 lượt xem